Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18), cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp tại một số địa phương đã có nhiều đổi mới. Để thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị…

3-.jpg
Cấp ủy, tổ chức đảng cần tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Ảnh minh họa

Tiết kiệm chi thường xuyên nhờ sắp xếp, tinh giản bộ máy

Triển khai Nghị quyết 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành 8 quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy. Việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy đã đạt được kết quả nhất định: Giảm 3 cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; giảm 24 cấp phòng, ban, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể; giảm 48 lãnh đạo cấp phòng, ban trực thuộc. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã giảm 23 phòng, chi cục trực thuộc sở; giảm 40 lãnh đạo cấp phòng; sáp nhập 9 ban quản lý dự án thành 3 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc tỉnh… Tính đến tháng 12/2021, qua sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, toàn tỉnh còn 733 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền, giảm 140 đơn vị. Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh đã giảm 3.008 biên chế. Từ đó, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ năm 2018 đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã giảm 41,5 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương được đánh giá cao trong triển khai Nghị quyết 18. Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, rà soát tiến độ, số lượng và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị địa phương trong toàn tỉnh để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thông qua sắp xếp, đến năm 2022, khối quản lý nhà nước, toàn tỉnh đã giảm được 5 chi cục, 84 phòng chuyên môn và 116 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 142 thôn, tổ dân phố; giảm trên 11% tổng biên chế so với thời điểm 30/11/2016. Công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai ở những năm trước, nhiệm kỳ trước và được đánh là một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí tiết kiệm được do sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 285 tỷ đồng/năm.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU ngày 22/12/2022 về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025. Theo đó, phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy theo Đề án bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức… Mới đây, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện Đề án này.

Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan, đơn vị

Cùng với Bình Định và Vĩnh Phúc, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy không những tinh gọn mà đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được phân định rõ ràng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm đã góp phần đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Tại Thông báo mới đây, Bộ Chính trị đánh giá, kết quả thực hiện Nghị quyết 18 đã góp phần khắc phục một số hạn chế về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị, tạo nền tảng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 đến năm 2030. Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18 gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn.

Cùng với đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; kiên quyết chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; quy định về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp thực tiễn.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định và kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức…/.

Cùng chuyên mục
Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả