Đề xuất Chính phủ giảm 5 Bộ, Quốc hội giảm 4 Ủy ban...
Phương án nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị thuộc các ban Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã chính thức được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương (T.Ư) Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng trình bày tại Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết 18) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 01/12 vừa qua. Đây thực sự là những thông tin mà dư luận trông đợi trong nhiều ngày qua kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm có một số bài viết, bài nói chuyện về chủ đề này, trong đó đáng chú ý là bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng đã trình bày những phương án cụ thể nhằm sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… theo hướng một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại, kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian. Theo phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nêu sẽ tối thiểu giảm được 4 cơ quan Đảng thuộc T.Ư, giảm 5 Bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm 4 Ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Có thể nói, đây là yêu cầu, là đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong các phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò then chốt của việc tinh giản biên chế đi đôi với tinh gọn bộ máy. Bởi, việc duy trì những vị trí không cần thiết không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm cồng kềnh bộ máy, kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quản lý. Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng cán bộ, mà quan trọng hơn, là cơ cấu lại tổ chức để mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều thực sự phát huy được vai trò và giá trị của mình. Tinh giản không thể làm qua loa hay mang tính hình thức mà mỗi vị trí cần được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên chức năng, nhiệm vụ thực tế, từ đó xây dựng đội ngũ vừa tinh, vừa mạnh, phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực then chốt.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại TP. Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (TP. Hà Nội) báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và thống nhất rất cao kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị. Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025. Tổng Bí thư cho biết, lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm “T.Ư làm gương, địa phương hưởng ứng”, làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”...
Cử tri bày tỏ đồng tình và tin tưởng, đánh giá cao vào những chủ trương, quyết sách gần đây của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm người đang truyền niềm tin và cảm hứng mới cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về “kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam”. Nhân dân luôn đoàn kết, quyết tâm cao thực hiện những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng; đồng thời mong muốn T.Ư đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; người làm trong bộ máy sau khi tinh gọn phải được chọn lựa kỹ lưỡng, được nâng cao về chất lượng, có năng lực, tinh thần cống hiến, có khát vọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và tổ chức nơi mình công tác.
Thay đổi mang tính đột phá
Nhiều ý kiến nhận định, việc sáp nhập các Bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính. Nghị quyết 18 đã đặt nền tảng cho sự thay đổi này khi nhấn mạnh đến việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn tổ chức và thu gọn đầu mối. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cải cách để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Đặc biệt, việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này. Đây thực sự là một thay đổi mang tính đột phá, không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Tinh gọn tổ chức bộ máy chính là khâu đột phá trong tháo gỡ thể chế. Nếu bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chồng chéo thì hiệu quả hoạt động sẽ không cao, từ đó phát sinh lãng phí, tiêu cực. Không tinh gọn tổ chức bộ máy thì đất nước không phát triển được, thời cơ phát triển bị bỏ phí, nội lực không được phát huy. Thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Vì thế phải quyết tâm làm, kiên quyết làm, nhất định sẽ thành công.
Chưa ai tính ra con số cụ thể nếu thực hiện việc sắp xếp tổ chức như T.Ư dự kiến thì số người giảm đi là bao nhiêu, số tiền chi cho hoạt động các cơ quan sau sắp xếp sẽ giảm được bao nhiêu, nhưng chắc cũng là một khoản không nhỏ. Và điều quan trọng hơn chính là thông qua tổ chức lại mà hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị nước ta sẽ hiệu lực, hiệu quả hơn. Từ đó, tạo đà cho phát triển, khai thông điểm nghẽn đang cản trở kỷ nguyên phát triển mới của đất nước - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc T.Ư định hình và chỉ đạo triển khai cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã cho thấy vai trò của tập thể Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, mà trước hết là vai trò, trí tuệ và tầm nhìn sâu rộng của người đứng đầu Đảng ta trong việc hoạch định một chiến lược quan trọng với tên gọi “cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy”, chuyển tải thông điệp đó đến toàn bộ đảng viên, toàn xã hội, tạo ra sự hưởng ứng, đồng thuận lớn trong cả nước./.
Tại Chỉ thị số 1939/CT-KTNN về việc khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu: Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tinh gọn, chuyên nghiệp để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu thế, bối cảnh, tình hình mới. Giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, đề xuất Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc cơ cấu tổ chức lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc.