Theo đó, phấn đấu năm 2023, tỉnh Hòa Bình đón được 3.500.000 lượt khách thăm quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 450.000 lượt khách, khách nội địa: 3.050.000 lượt khách; thu nhập từ du lịch đạt 3.900 tỷ đồng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
BCĐ đề ra mục tiêu: Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung nguồn lực triển khai các nghị quyết, chương trình, quy hoạch, đề án phát triển du lịch của Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh công tác hợp tác công - tư và mở rộng liên kết trong nước, quốc tế phát triển du lịch.
Theo đó, nhiệm vụ được BCĐ đề ra với công tác quản lý Nhà nước là: Tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch tới các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính và tiếp nhận, giải quyết các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp du lịch; tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án du lịch; tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh và của địa phương; tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các hoạt động kinh doanh du lịch về lĩnh vực lưu trú, lữ hành và phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch;xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành các quy định về hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật…
Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của Trung ương và địa phương. Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến TP. Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và Lạc Sơn. Huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành những điểm tham quan du lịch; quan tâm xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống điện, nước, đặc biệt là hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc tại một số khu điểm du lịch ở các xã vùng cao có tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Chú trọng công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch; xem xét, mời các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, có kinh nghiệm, thương hiệu, năng lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao đưa vào đón tiếp phục vụ du khách.
BCĐ Du lịch tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; liên kết, hợp tác phát triển du lịch và tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch…
Để phát triển sản phẩm du lịch: Tiếp tục chỉ đạo phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh; tập trung khảo sát, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn để đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp như trang trại sinh thái gắn với giáo dục để cho du khách có thể mua sắm các sản phẩm nông nghiệp và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trang trại… Xây dựng các sản phẩm du lịch OCOP và triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, phấn đấu có 02 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh năm 2023; Nâng cao chất lượng các điểm du lịch cộng đồng để đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi và trải nghiệm.
Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch, trình độ ngoại ngữ… cho cán bộ nhân viên trong các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ homestay hoạt động du lịch trên địa bàn; hỗ trợ khôi phục các nghề truyền thống, bồi dưỡng các đội văn nghệ dân tộc để tạo ra các dịch vụ bổ trợ phục vụ khách du lịch.Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch để nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng đón tiếp, phục vụ.
Trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Tổ chức mời các đơn vị lữ hành, báo chí đến trải nghiệm, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng giữa các huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các các hoạt động trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành trong khu vực; triển khai có hiệu quả Chương trình hợp tác toàn diện giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam năm 2023.Chỉ đạo Hiệp hội du lịch tỉnh và Hội du lịch một số huyện tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước để đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch.
Trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch: Tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án hoạt động du lịch; theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh. Lắp đặt các pano tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch và các di tích danh lam thắng cảnh phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh./.