Hai “điểm sáng” nông thôn mới kiểu mẫu tại Tuyên Quang
Theo tỉnh Tuyên Quang, năm 2024, thôn Lâm Đồng, phường Hà Giang 1 vinh dự được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, trở thành điểm sáng tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương. Không chỉ gây ấn tượng bởi cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, Lâm Đồng còn nổi bật với đời sống kinh tế ổn định, nếp sống văn minh, an ninh trật tự được giữ vững. Với 212 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, trong đó nhiều hộ mạnh dạn phát triển dịch vụ, du lịch, thôn đang từng bước chuyển mình, phát triển bền vững từ nội lực cộng đồng. Đặc biệt, Lâm Đồng là thôn đầu tiên trong cả nước được Bộ Công an tặng Bằng khen nhờ mô hình Tổ Phòng cháy, chữa cháy tự quản - một sáng kiến được chính người dân chủ động đóng góp và vận hành hiệu quả.

Ông Đàm Quốc Hồi, Bí thư kiêm Trưởng thôn Lâm Đồng chia sẻ: Những năm qua, người dân trong thôn luôn tích cực hưởng ứng, đóng góp cả công sức và tài sản để cùng Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Mỗi mét đất được hiến, mỗi ngày công được đóng góp đều là biểu hiện của tinh thần đồng thuận, sẻ chia. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân có bước chuyển mình rõ rệt với thu nhập bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, người dân Lâm Đồng không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn chủ động chung tay xây dựng thiết chế văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà văn hóa thôn rộng 200 m² được xây dựng khang trang, kết nối wifi miễn phí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Các tuyến ngõ được lắp đặt camera an ninh, đèn năng lượng mặt trời thông qua hình thức xã hội hóa, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ thể thao, đội văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Mới đây, bà con tiếp tục hiến đất và đóng góp trên 200 triệu đồng để làm đường bê tông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, sản xuất.
Tại thôn Mỹ Hoa - nơi sinh sống của 79 hộ đồng bào dân tộc Mông - hành trình vươn lên cũng là một câu chuyện đáng trân trọng. Năm 2024, thôn được công nhận là NTM kiểu mẫu. Nhờ tinh thần cần cù, ý thức vươn lên thoát nghèo, hiện thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm. Theo chia sẻ của người dân: “Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ bản, người dân trong thôn tiếp tục đóng góp hơn 300 ngày công, 300 triệu đồng tiền mặt cùng vật liệu xây dựng để hoàn thiện nhà văn hóa, kè đường, hệ thống đèn năng lượng mặt trời...”. Những công trình được hoàn thiện không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ trong mỗi người dân.
Vai trò “đầu tàu” trong xây dựng nông thôn mới

Trong tiến trình xây dựng NTM, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương được xác định là yếu tố then chốt, góp phần định hướng rõ ràng và đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ hệ thống chính trị cơ sở không chỉ dẫn dắt Nhân dân thực hiện hiệu quả các tiêu chí NTM mà còn tạo động lực mạnh mẽ để nhiều vùng quê khởi sắc từng ngày.
Xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên), sau khi sáp nhập từ hai xã Thái Hòa và Đức Ninh, là một trong những địa phương điển hình giữ vững danh hiệu xã NTM nâng cao. Dưới sự định hướng sát sao của cấp ủy, chính quyền, địa phương đã tận dụng tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như chè, bưởi, thanh long. Một số sản phẩm của xã đã được xếp hạng OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Ngày 10/5/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 551/QĐ-UBND công nhận xã Thái Hòa, tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Các mô hình kinh tế tích hợp đa giá trị cũng mang lại hiệu quả rõ nét, như HTX Sản xuất - Kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa với thu nhập trung bình đạt 200-300 triệu đồng/năm cho các thành viên; HTX rau, củ, quả an toàn Ninh Thái canh tác trên quy mô hơn 5ha, mang lại thu nhập ổn định. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được cải thiện, 100% thôn có nhà văn hóa khang trang, hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm qua từng năm.
Toàn tỉnh hiện có 35 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số xã không còn giữ được đầy đủ các tiêu chí. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các địa phương rà soát, phát huy nội lực, từng bước củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định, đảm bảo tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM. Đồng thời, sự kết hợp hài hòa giữa nguồn lực nhà nước và sự tham gia tích cực của Nhân dân sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc giúp các xã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Có thể khẳng định: Khi người dân phát huy vai trò chủ thể, cấp ủy, chính quyền thể hiện rõ vai trò “kiến tạo” thì phong trào xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao thu nhập mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng và khát vọng phát triển bền vững. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng những miền quê đáng sống, văn minh, hiện đại trong giai đoạn tiếp theo./.