Tỉnh vùng cao quyết tâm “số hóa”, phủ sóng giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội

Dù là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước, song xác định vai trò quan trọng của công tác chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông quyết tâm khắc phục khó khăn để từng bước triển khai thực hiện công tác này, mang lại sự tiện ích cho người dân khi tham gia, thụ hưởng chính sách.

bhxh-1-.jpg
Thực hiện giao dịch điện tử, số hóa hồ sơ là xu thế tất yếu của ngành BHXH. Ảnh sưu tầm

Vì lợi ích của người dân tham gia chính sách

Những năm qua, ngành BHXH tỉnh đã và đang từng bước hoàn thiện dữ liệu, củng cố, kiện toàn hệ thống số hóa. Đặc biệt, để quản lý, tương tác với người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), từ tháng 11/2020 ngành BHXH tỉnh đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID-BHXH số với nhiều tính năng, tiện ích có ý nghĩa thiết thực, giúp người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nắm bắt được quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách; đồng thời tự giám sát, bảo vệ quyền lợi an sinh của mình. Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 90.000 hồ sơ VssID-BHXH số phê duyệt thành công.

Cùng với sự ra đời của ứng dụng VssID – BHXH số, nhằm triển khai khám, chữa bệnh (KCB) BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, thời gian qua, ngành BHXH và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 83/85 cơ sở KCB thực hiện việc tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp cho người đến KCB. Số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT để KCB là trên 191.000, trong đó có gần 3.000 lượt đã thực hiện KCB bằng căn cước công dân gắn chíp, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia chính sách này.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, BHXH tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh thực hiện chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua tài khoản ATM. Tính đến hết tháng 12/2021, tỷ lệ trung bình người hưởng nhận trợ cấp chế độ BHXH, BHTN thông qua các phương thức không dùng tiền mặt chiếm 76% trên tổng số người hưởng. Việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản ATM đã mang lại nhiều tiện ích. 

Đến nay có 14/25 thủ tục hành chính của ngành BHXH được thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện. Tỉ lệ hồ sơ giao dịch điện tử của đơn vị tham gia BHXH tỉnh đang quản lý đạt trên 90%. 

Hiện, các thủ tục hành chính của ngành BHXH tỉnh đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Những lợi ích đó cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành BHXH đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.

Quyết tâm theo kịp tỷ lệ chung

Mặc dù ghi nhận, đánh giá việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua khá tích cực, song UBND tỉnh cho rằng, tỷ lệ giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH ở Đắk Nông hiện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Do đó, toàn tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm theo kịp tỷ lệ chung toàn quốc. 

Trên cơ sở phân tích rõ thực trạng, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện những biện pháp nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH. Theo đó, BHXH tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai khẩn trương và hiệu quả nhiệm vụ này. Đáng chú ý, UBND tỉnh còn yêu cầu BHXH tỉnh Đắk Nông kiên quyết chấn chỉnh các doanh nghiệp không thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH. Cụ thể, đơn vị nào đã cài đặt, đăng ký thực hiện giao dịch điện tử mà không thực hiện hoặc nộp hồ sơ bằng hình thức khác, thì cơ quan BHXH có quyền từ chối tiếp nhận; đồng thời đề nghị phải thực hiện giao dịch điện tử.

Để tác động mạnh hơn đến việc thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, UBND tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chung tay vào nỗ lực chung với ngành BHXH. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền và yêu cầu phải thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, tiến tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...

Đặc biệt, để thúc đẩy hiệu quả từ khối cơ quan, đơn vị, đoàn thể, UBND tỉnh yêu cầu “việc thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh”. Với những quyết tâm vừa qua của ngành BHXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các giao dịch lĩnh vực BHXH được kỳ vọng sẽ có bước chuyển đột phá trong thời gian tới, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. 

Cùng chuyên mục
Tỉnh vùng cao quyết tâm “số hóa”, phủ sóng giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội