|
Để đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin hữu ích cho hoạt động giám sát, quản lý, điều hành vĩ mô của cơ quan có thẩm quyền, việc đẩy nhanh kiểm toán hoạt động chi thường xuyên trở nên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Với lý do đó, việc lựa chọn nghiên cứu Đề tài “Tổ chức kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương” có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.
Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm tổng hợp và vận dụng một số lý luận cơ bản về kiểm toán hoạt động có liên quan, tác động đến tổ chức kiểm toán hoạt động của KTNN; Phân tích, đánh giá về thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động tại cơ quan KTNN Việt Nam trong thời gian qua, từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất một số giải pháp khắc phục trong tổ chức kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng chi thường xuyên của KTNN.
Đề tài gồm 3 Chương: Chương 1- Cơ sở lý luận về tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương; Chương 2 - Thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương; Chương 3 - Giải pháp hoàn thiện về tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài. Cụ thể: Đề tài đã khái quát về chi thường xuyên và kiểm toán hoạt động; đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương, nêu rõ kết quả và hạn chế trong tổ chức kiểm toán hoạt động, cũng như nguyên nhân của những hạn chế; khảo sát kinh nghiệm tổ chức kiểm toán hoạt động tại một số nước trên thế giới như Canada, Australia, Mỹ và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam; đề xuất các giải pháp về tiêu chí, tổ chức, thực hiện quy trình kiểm toán hoạt động chi thường xuyên… cùng với một số kiến nghị về điều kiện thực hiện giải pháp.
Hội đồng nghiệm thu cũng đề xuất một số kiến nghị với Ban đề tài như: bổ sung một số đặc điểm của chi thường xuyên, tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan trung ương theo hướng nêu rõ điểm chung, riêng so với chi thường xuyên và chi NSNN nói chung; làm rõ khái niệm “Tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên” để xác định rõ nội dung, phạm vi nghiên cứu của Đề tài; bổ sung thêm kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, ngành trong các năm qua; cập nhật đánh giá về hạn chế trong lập kế hoạch kiểm toán năm và trung hạn theo các Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 0/2017/QĐ-KTNN ngày 21/3/2017 của KTNN và thực tế lập kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề; bổ sung mục lục của bản tóm tắt Đề tài.
|
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
Tin và ảnh: THÙY LÊ