Tổ chức thực hiện kiểm toán môi trường: Còn nhiều khó khăn, thách thức

(BKTO) - Kiểm toán môi trường (KTMT) là một công cụ cần thiết để kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường của các dự án, tổ chức, cá nhân liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Kết quả và kiến nghị kiểm toán góp phần ngăn chặn các vi phạm về môi trường, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan. Tuy nhiên, thực tế, việc tổ chức các cuộc KTMT chuyên sâu của KTNN khu vực VI nói riêng và KTNN nói chung vẫn còn những khó khăn, thách thức.




Các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu là xử phạt hành chính không đáng kể. Ảnh sưu tầm

Thiếu quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả trong quản lý, bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, KTNN khu vực VI chưa tổ chức thực hiện chuyên sâu về KTMT. Đơn vị chỉ tập trung vào đánh giá công tác lập, giao, thực hiện dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường thông qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Tuy vậy, trong quá trình kiểm toán, KTNN khu vực VI đã có nhiều phát hiện nổi bật liên quan đến công tác phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, thanh tra, kiểm tra, xây dựng các dự án và xử lý chất thải. Cụ thể:
Các địa phương phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường không đủ hoặc sử dụng kinh phí không đúng mục đích. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, mới chỉ dừng lại ở hình thức xử lý sự vụ, chưa có các kiến nghị cụ thể về công tác phòng, chống ô nhiễm cũng như đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn lực.
Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường của DN trong quá trình hoạt động hoặc thành lập và triển khai dự án mà chưa tập trung kiểm định chất lượng môi trường; công tác kiểm tra chủ yếu là hậu kiểm và giải quyết hậu quả. Các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu là xử phạt hành chính không đáng kể. Trong khi đó, các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ.
Địa phương đã quan tâm tới công tác xây dựng các dự án và xử lý chất thải rắn nhưng đến nay, hoạt động này vẫn không đảm bảo về công suất, hiệu quả. Trong khi đó, quá trình xây dựng các dự án còn nhiều sai sót. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước mới đáp ứng được một phần nhỏ lượng nước thải ra, đặc biệt là đối với các đô thị lớn. Ở khu vực nông thôn, nguồn nước gây ô nhiễm và không được xử lý, nhất là nước thải chăn nuôi gia súc.
Rác thải sinh hoạt được thu gom từ các hộ gia đình theo cách thủ công, dùng xe đẩy tay tới điểm trung chuyển dẫn đến tình trạng không thể phân loại rác tại nguồn, chất thải nguy hại trộn lẫn với chất thải thông thường tại bãi rác. Trong khi đó, đa phần rác thải được thực hiện theo hình thức chôn lấp, chỉ một lượng rất nhỏ được xử lý theo công nghệ đốt. Do vậy, các bãi rác hiện hữu được quy hoạch có nguy cơ hết công suất, đó là chưa kể đến việc chôn lấp không đảm bảo các điều kiện cần thiết, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...
Về phía các DN, do chi phí cao nên hầu hết các DN không có hệ thống xử lý chất thải hoặc nếu có cũng không đảm bảo chất lượng, hoạt động không liên tục, mang tính hình thức. Thậm chí, DN còn cố tình gian lận để giảm mức đóng phí bảo vệ môi trường đến mức thấp nhất dẫn đến ảnh hưởng đến nguồn kinh phí bảo vệ môi trường.
Nhiều khó khăn trong kiểm toán môi trường
Mặc dù đã cố gắng tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay, KTNN vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tổ chức một cuộc KTMT chuyên sâu.
Thực tế, KTNN mới từng bước thực hiện các cuộc KTMT độc lập. Một số ít cuộc kiểm toán được lồng ghép nội dung, yếu tố môi trường trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ. Do đó, kiến nghị của KTNN về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững chưa được như mong đợi.
Hiện nay, việc tiến hành các cuộc kiểm toán có lồng ghép yếu tố môi trường đang dựa vào các quy trình kiểm toán liên quan khác. Trong khi đó, các kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này đang ở dạng tài liệu tham khảo từ các tổ chức, cơ quan quốc tế.
KTMT thường kết hợp cả 3 loại hình là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, trong đó, kiểm toán hoạt động giữ vai trò chủ đạo. Hơn nữa, kiểm toán việc xử lý rác thải, nước thải là nội dung liên quan đến các lĩnh vực hẹp. Vì vậy, kiểm toán viên vừa phải có kiến thức và kỹ năng kiểm toán hoạt động, vừa phải có chuyên môn về môi trường. KTNN có thể thuê các chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng thủ tục, trình tự thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ kiểm toán.
Theo quy định của pháp luật, KTNN không có chức năng định giá các thiệt hại gây ra do các hệ lụy về môi trường, vì vậy, đoàn kiểm toán chỉ có thể khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước thuê các đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước lại là chủ thể của đối tượng được kiểm toán nên việc thuê các đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá theo các ý kiến của KTNN khó đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Ngoài ra, để có thể xử lý rác thải được triệt để và hiệu quả, khâu quan trọng nhất là phân loại rác đầu nguồn. Do vậy, công tác tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, nhưng KTNN lại rất khó đánh giá nội dung này do đây là vấn đề nhận thức. KTNN chỉ có thể kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân, DN.
LÊ THANH HÀ
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI
Cùng chuyên mục
Tổ chức thực hiện kiểm toán môi trường: Còn nhiều khó khăn, thách thức