Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế” sẽ diễn ra vào sáng 04/6

(BKTO) - Ngày mai (04/6), vào lúc 9h, Báo Kiểm toán sẽ tổ chức tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế” nhằm tìm giải pháp gỡ vướng cho các chính sách thuế với ngành này.

Liên quan đến chính sách thuế trong ngành phân bón, gần đây có 2 nội dung sửa đổi thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành này.

toa-dam-backrop.png
Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế” nhằm tìm giải pháp gỡ vướng cho các chính sách thuế đối với ngành phân bón sẽ diễn ra vào  9h00’ ngày 04/6/2024 tại Báo Kiểm toán. Ảnh: Anh Tuấn 

Thứ nhất về thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phân bón, tại Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, phân bón dự kiến được chuyển từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT, với mức thuế suất 5%. Dự kiến, tại Kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay, Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được thông qua với chính sách thuế GTGT mới áp dụng cho một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng phân bón.

Cũng theo thống kê, sau gần 10 năm, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng.

z5487066286607_90def07b3d7a98b5fb8866e5363e8f94.jpg
Ngành phân bón trong nước đang "ngóng chờ" được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách thuế để có thể cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang mong đợi việc sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng đưa phân bón vào danh mục chịu thuể VAT và mức thuế VAT cụ thể với mặt hàng này là 5%. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì sẽ đem lại “lợi ích kép” cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí do được hoàn một phần thuế đầu vào. Khi giảm chi phí thì giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm, giúp giảm gánh nặng chi phí phân bón cho người nông dân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực để đầu tư nghiên cứu phát triển những dự án phân bón chất lượng cao, thế hệ mới, đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội. Cuối cùng, việc sửa đổi Luật thuế 71 sẽ góp phần đưa phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng hơn với phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như Trung Quốc và một số nước trong khu vực Asean…

Thứ hai, liên quan đến thuế xuất khẩu phân bón, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 26 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự thảo này quy định mức thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón vô cơ như ure, supe lân, SOP… Trong khi thực tế, một số mặt hàng phân bón trong nước nhiều năm nay sản xuất cung đã vượt cầu, cần khuyến khích xuất khẩu. Như vậy, quy định mức thuế xuất khẩu 5% liệu có thực sự phù hợp?

Trước tình hình trên, với mong muốn kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường nhằm đưa ra các giải pháp về chính sách thuế tối ưu cho doanh nghiệp phân bón trong bối cảnh hiện nay, tăng sức cạnh tranh và tạo sự bình đẳng với phân bón cùng chủng loại nhập khẩu, đồng thời hạ giá thành phân bón, Báo Kiểm toán phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Tọa đàm với chủ đề: Ngành phân bón với các chính sách thuế.

Tọa đàm có sự tham gia của TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam và ông Đỗ Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco, đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón.

Tọa đàm sẽ được phát trên Báo Kiểm toán điện tử./.

Cùng chuyên mục
Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế” sẽ diễn ra vào sáng 04/6