Khách mời tham gia Tọa đàm: TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Trần Đại Nghĩa - Phó TGĐ Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, sau gần hai thập kỷ đi vào thực tiễn, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế. Những quy định trong hai bộ luật này không chỉ chồng chéo, thiếu đồng bộ mà còn chưa theo kịp thực tiễn sản xuất và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, quy định về công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có trên 100.000 sản phẩm phân bón sản xuất trong nước và 15.000 sản phẩm nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, quy trình này không chỉ mang tính hình thức mà còn gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ước tính, mỗi năm, ngành phân bón phải chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp quy, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu và gia tăng gánh nặng cho người nông dân.

Tháng 3 vừa qua, 9 hội và hiệp hội ngành hàng đã đồng loạt gửi công văn tới Tổng Bí thư Tô Lâm, kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy. Các hiệp hội chỉ ra rằng, quy định này không chỉ thiếu ý nghĩa trong quản lý mà còn không có tiền lệ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thay vì kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm, việc công bố hợp quy lại tạo thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và làm tăng chi phí sản xuất.

Trước những bất cập kéo dài, Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận và thông qua Dự thảo Luật TCQC sửa đổi trong tháng 5 tới đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của các hiệp hội, dự thảo hiện tại chưa có nhiều đổi mới đáng kể so với luật cũ.
Để giải quyết triệt để vấn đề, các hiệp hội đề xuất hợp nhất Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thành một bộ luật thống nhất. Đồng thời, kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy được xem là bước đi mang tính đột phá, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng trên thị trường.

Ngoài ra, việc xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Hiện nay, TCCS do doanh nghiệp tự ban hành nhưng không có ý nghĩa thực tiễn trong quản lý chất lượng, thậm chí còn gây lãng phí khi doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục xác nhận công bố TCCS. Trong khi đó, theo quy định pháp luật, doanh nghiệp đã phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thông qua nhãn mác hàng hóa. Vì vậy, việc loại bỏ yêu cầu về TCCS được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng không cần thiết.
Nhằm làm rõ những hạn chế và ảnh hưởng của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sản xuất phân bón, Báo Kiểm toán phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón tổ chức Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về các văn bản quy phạm pháp luật, phát triển ngành phân bón trong nước”.
Tại Tọa đàm, các diễn giả sẽ cùng trao đổi về những khó khăn, bất cập của các đơn vị sản xuất phân bón trong nước trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chứng nhận hợp quy; Đề xuất kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, giúp thuận lợi cho sản xuất phân bón trong nước.