Cà Mau: Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025

(BKTO) - Quý I năm 2025, Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng 5,36% so cùng kỳ năm 2024; chỉ số sản xuất tăng 3,23%. Đây là động lực để tỉnh tiếp tục nỗ lực, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới và cả năm 2025.

20250417_184825.jpg
Qúy I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Cà Mau ước đạt 25.228,77 tỷ đồng, tăng 13,90% so cùng kỳ năm 2024. Ảnh: P.Hiến

Theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành), ước đạt 25.228,77 tỷ đồng, tăng 13,90% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 22.236,12 tỷ đồng, tăng 14,01% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tháng 3/2025 tăng 12,56% so tháng trước, tăng 13,02% so cùng kỳ năm 2024. Tính chung quý I năm 2025 chỉ số sản xuất tăng 3,23% so cùng kỳ.

Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư là một lĩnh vực khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 6 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký 297,8 tỷ đồng. Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 468 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 147.953 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI. Hết quý I toàn tỉnh có 175 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 983,3 tỷ đồng.

Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 25/3/2025 đạt 1.653,11 tỷ đồng, đạt 27,62% so dự toán, tăng 5,86% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 1.604,19 tỷ đồng, đạt 27,82% so dự toán, tăng 6,67% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 48,92 tỷ đồng, đạt 22,24% so dự toán, giảm 15,93% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp những khó khăn, thách thức nhất định, như số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao; ảnh hưởng của chính sách thuế quan đến ngành nông nghiệp, thương mại…

Trước những khó khăn này, để đạt con số tăng trưởng 8% trở lên vào cuối năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra nhiều kịch bản và các nhóm giải pháp cụ thể cho từng khu vực kinh tế cụ thể.

Trong đó, tăng cường làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các loại hình kinh tế khác... để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra những động lực mới, sản phẩm mới để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tại địa phương... 

Ông Hồ Trung Việt - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, ngoài thực hiện đồng bộ, hiệu quả các pháp phát triển kinh tế, các cấp, các ngành cần phải quan tâm đến 2 nội dung có liên quan và mang tính chất cốt lõi, đó là sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức mới, đồng thời ứng dụng thành công và có tạo ra giá trị mới từ việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cùng chuyên mục
Cà Mau: Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025