Tòa Thẩm kế châu Âu hoài nghi về hiệu quả của Kế hoạch Juncker

(BKTO) - Kế hoạch Juncker - một chính sách chấn hưng nền kinh tế hàng đầu của đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker có thể không đạt được những lợi ích như kỳ vọng. Nhận định trên được Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) đưa ra trong bản Báo cáo kiểm toán mới nhất công bố hồi cuối tháng 01/2019.



Kế hoạch Juncker được khởi xướng vào cuối năm 2014, đặt theo tên của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, với mục tiêu giải quyết khoảng cách đầu tư xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế bắt đầu từ năm 2008. Kế hoạch được triển khai dựa trên một phần ngân sách của EC và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) - cơ sở tài chính của Liên minh châu Âu (EU). Theo Kế hoạch này, Quỹ Đầu tư chiến lược châu Âu (FEIS) với số vốn ban đầu 21 tỷ Euro đã được thiết lập nhằm tài trợ cho các dự án có mức độ rủi ro cao hơn mức mà EIB thường chấp nhận.

EC kỳ vọng, thông qua Quỹ FEIS, số tiền huy động sẽ tăng gấp 15 lần, tức là tổng cộng khoảng 335 tỷ Euro (390 tỷ USD) để bổ sung vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của EU và có khả năng tạo thêm từ 1 - 1,3 triệu việc làm trong vòng 3 năm. EC dự kiến sẽ sử dụng một phần ngân sách để tài trợ cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm: công nghệ số và năng lượng, giao thông, giáo dục, đào tạo nghề, nghiên cứu, y tế công; một phần khác sẽ được đầu tư cho các DN nhỏ và vừa (SME) - đối tượng ít có khả năng huy động vốn trên thị trường so với các công ty đa quốc gia.

Theo Báo cáo, Kế hoạch Juncker ban đầu dự định hoạt động từ năm 2014-2018, nhưng cuối năm 2017, Kế hoạch đã được gia hạn đến năm 2020. ECA cho rằng, mức kỳ vọng hiệu quả tăng gấp 15 lần, thu về 335 tỷ Euro từ số vốn cơ bản 21 tỷ Euro do EU và EIB đóng góp theo Kế hoạch này là “cường điệu” và tỏ ra nghi ngại rằng, EC cũng như EIB có phần phóng đại những hiệu quả, lợi ích mà Kế hoạch Juncker mang lại.

ECA cho biết, EIB đã trao gần 1/3 các khoản vay đầu tư, đổi mới cơ sở hạ tầng cho các dự án mà hầu như không cần sự hỗ trợ tài chính từ EU. Các kiểm toán viên của ECA rất khó đánh giá rủi ro của các dự án được lựa chọn và hiện cũng chưa rõ liệu Kế hoạch sẽ huy động được bao nhiêu tiền từ khu vực tư nhân. ECA nhận định: “Nhiều dự án đã được EIB thông qua, song trên thực tế, các dự án này đã đủ tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác để thực hiện, ngay cả khi không có Kế hoạch Juncker”.

Bên cạnh đó, ECA cũng chỉ trích rằng kế hoạch đầu tư của EU đã không chú trọng đến các dự án đầu tư chiến lược xuyên biên giới và thiếu tập trung vào khu vực Nam Âu, cũng như các quốc gia chịu nhiều tác động nhất từ khủng hoảng kinh tế.

Phản hồi lại những nhận định trên, Chủ tịch EIB Wener Hoyer giải thích, EIB không đặt mục tiêu với từng nước hay từng lĩnh vực cụ thể mà chất lượng dự án mới là vấn đề. Ông Wener Hoyer cho hay, năm ngoái, EIB đã đạt mức đầu tư kỷ lục 84,5 tỷ Euro và hy vọng với Kế hoạch Juncker, EIB sẽ duy trì được tốc độ này trong 3 năm tới để huy động khoảng 240 tỷ Euro vốn đầu tư. Trong chuyến thăm Hà Lan để quảng bá Kế hoạch này cho các nhà đầu tư tiềm năng, ông Wener Hoyer lạc quan rằng, những thỏa thuận mới nhiều khả năng sẽ mở đường cho các khoản đầu tư tiếp theo trong các giai đoạn tới.

Trong bản Báo cáo, ECA đã đưa ra 5 khuyến nghị cho tương lai của Kế hoạch Juncker, bao gồm: đầu tư vào các dự án rủi ro cao; tránh cạnh tranh giữa các công cụ tài chính của FESI và các công cụ tài chính khác của EU; cải thiện đánh giá về khả năng tài trợ dự án bằng các phương tiện khác; cải thiện dự toán đầu tư bổ sung được huy động; cải thiện tính lan truyền địa lý của FESI. Đại diện EC và EIB cho biết, hai bên sẽ xem xét một cách nghiêm túc các khuyến nghị mà ECA đưa ra, đồng thời liên hệ nhằm rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai Quỹ InvestEU của châu Âu, do tính chất tương tự của hai chương trình hỗ trợ đầu tư này.


NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019
Cùng chuyên mục
Tòa Thẩm kế châu Âu hoài nghi về hiệu quả của Kế hoạch Juncker