Quản lý đầu tư ra bên ngoài thiếu chặt chẽ
Tính đến ngày 31/12/2012, Tổng công ty (TCT) CIENCO 5 và các Công ty (CT) thành viên đã đầu tư vốn vào 16 CT liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác tại 24 CT với tổng số vốn góp 222.454 triệu đồng.
Qua kiểm toán tại CT mẹ, KTNN nhận thấy CIENCO 5 đã đầu tư vào 2 CT liên doanh với số vốn 261 triệu đồng nhưng đến thời điểm kiểm toán cả 2 CT này đều đã ngừng hoạt động nên khó có khả năng thu hồi vốn; đầu tư vào 34 CT cổ phần với tổng số vốn 124.417 triệu đồng. Số cổ tức thực nhận trong năm 2012 là 8.875 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là 7,1%. Nếu loại trừ các CT hoạt động không hiệu quả, các CT không chia cổ tức, CT đã thoái vốn thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ở các đơn vị kinh doanh có hiệu quả là 10,5%. Có 6 CT cổ phần kinh doanh không hiệu quả nhưng TCT chưa trích lập dự phòng để bảo toàn vốn đầu tư theo quy định số tiền 11.459 triệu đồng. Có 3 CT cổ phần không báo cáo số liệu tài chính năm 2012 nên KTNN chưa đánh giá đầy đủ tình hình quản lý và hiệu quả đầu tư vốn ra ngoài DN. Từ đó cho thấy nguồn vốn nhà nước do TCT quản lý đầu tư tại nhiều CT với số vốn đầu tư lớn (chiếm 70,9% vốn điều lệ) nhưng hiệu quả không cao.
Việc đầu tư vào các CT cổ phần của CIENCO 5 được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. TCT cũng đã xây dựng và ban hành quy chế Quản lý vốn đầu tư và người đại diện vốn đầu tư của TCT, cuối năm đã có văn bản yêu cầu người đại diện báo cáo tình hình kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của CT cổ phần theo quy định. Tuy nhiên, TCT không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào CT liên doanh liên kết, thể hiện việc TCT chưa có biện pháp chấn chỉnh đối với những người đại diện không thực hiện báo cáo theo chỉ đạo của TCT.
Việc theo dõi, quản lý vốn nhà nước tại các CT cổ phần còn chưa chặt chẽ, chưa nắm được kết quả sản xuất, kinh doanh của các CT cổ phần, số CT cổ phần hoạt động có hiệu quả, số CT cổ phần hoạt động thua lỗ và số lỗ lũy kế đến thời điểm kiểm toán. Tại 7 CT cổ phần lỗ liên tiếp 2 năm 2011 và 2012 nhưng người đại diện chưa báo cáo TCT xin ý kiến chỉ đạo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của TCT. Năm 2011 chỉ có 9/34 CT và năm 2012 có 6/34 CT có người đại diện đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của TCT để tham gia biểu quyết những vấn đề quan trọng của CT cổ phần trong Đại hội đồng cổ đông. Người đại diện phần vốn góp của TCT tại CT cổ phần Xây dựng công trình 545 đã mua 130.254 cổ phiếu do CT phát hành thêm (năm 2009) nhưng không báo cáo bằng văn bản cho TCT.
Đầu tư các dự án bất động sản không hiệu quả
Với phần diện tích đất toàn TCT đang quản lý, sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (171.378,44 m2) được KTNN đánh giá, các đơn vị đã quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, cơ bản có đầy đủ các thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thực hiện kê khai nộp tiền thuê đất theo quy định thì đối với các dự án đầu tư bất động sản (BĐS) của CIENCO 5 lại được KTNN kết luận là không đem lại hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp.
Bên cạnh ghi nhận tích cực từ phía KTNN là các dự án kinh doanh BĐS cơ bản tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng dự án, huy động vốn, bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với NSNN thì KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập. Qua xem xét hồ sơ 7 dự án kinh doanh BĐS tại 2 đơn vị thuộc TCT với diện tích hơn 1,68 triệu m2, KTNN đã phát hiện việc giao đất để thực hiện dự án đã được tiến hành không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với Dự án đồn điền Việt Hưng, Dự án Làng Bang, Dự án chung cư cao tầng TP. Hạ Long và đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng đối với Dự án đồn điền Việt Hưng. Đáng chú ý, tất cả các dự án được chọn kiểm toán đều chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Cùng với 2 dự án chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian tiếp tục triển khai thì do công tác phê duyệt dự án đầu tư chung cư cao tầng TP. Hạ Long không đúng với quy hoạch chi tiết ban đầu nên dự án đã bị đình chỉ thi công để điều chỉnh lại.
Trong quá trình đầu tư xây dựng, hầu hết các chủ đầu tư dự án không lập kế hoạch đấu thầu, chỉ thực hiện giao khoán cho các đội thi công, thậm chí giao thầu cho một số đơn vị không đủ năng lực thực hiện hợp đồng. Công tác giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quản lý chất lượng một số hạng mục công trình chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục, trình tự theo quy định; có tình trạng triển khai thi công không đúng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công được duyệt… KTNN đã chỉ ra có 2 dự án mà chủ đầu tư chưa thành lập Ban Quản lý dự án, có 1 dự án đã thành lập Ban Quản lý dự án nhưng không phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân. Hơn nữa, tất cả các nhân sự của chủ đầu tư đều không tuân thủ điều kiện tham gia quản lý dự án theo quy định.
KTNN nhấn mạnh, hầu hết các dự án đã phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, công tác tổ chức thi công chậm tiến độ dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay lớn. Có dự án đã triển khai trên 50% thời gian nhưng mới chỉ thực hiện khoảng 15% giá trị khối lượng; đối với các dự án đang đề nghị điều chỉnh quy hoạch thì khi kiểm toán giá trị thực hiện mới đạt dưới 38% tổng mức đầu tư, chi phí xây lắp hạ tầng và thiết bị dưới 22%.
QUỲNH ANH