Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kế hoạch về phòng chống tham nhũng

(BKTO) - Căn cứ Chương trình công tác năm 2019 (Chương trình số 215-CTr/BCĐTW ngày 01/02/2019) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), ngày 01/3/2019 Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 230/KH-KTNN về Thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước - Thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Kế hoạch thực hiện gồm các nội dung cụ thể như sau:



Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giao tại Chương trình công tác năm 2019 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; Cụ thể hóa các nhiệm vụ Tổng KTNN có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện theo sự phân công. Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc KTNN trong việc giúp Tổng KTNN thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo Chương trình.

Tổng KTNN chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của KTNN đối với các nhiệm vụ cụ thể sau:Một là, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa tham nhũng, nhất là tập trung sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật KTNN.

Hai là, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật do các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo và các văn bản do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, KTNN kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ba là, chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí (quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà công sản…); việc cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu DNNN; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…).

Bốn là, chỉ đạo tiến hành việc kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước.

Năm là, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng được phân công theo dõi, phụ trách (Ban cán sự Đảng KTNN, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; các tỉnh ủy: Ninh Bình, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La) trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Nhất là về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng; về phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ; về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng; việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo; các kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo và cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương, cơ sở.

Sáu là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là giáo dục đạo đức, liêm chính cho cán bộ, công chức, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng chống tham nhũng. Chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Tổng KTNN giao thủ trưởng các đơn vị thuộc KTNN căn cứ kế hoạch này để chủ động triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm làm đầu mối giúp việc: theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc KTNN trong việc thực hiện nhiệm vụ theo phân công; tổng hợp xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổng KTNN, thành viên Ban Chỉ đạo khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kế hoạch về phòng chống tham nhũng