Top 100 công ty toàn cầu sụt giảm mạnh vốn hóa thị trường

(BKTO) - Vốn hóa thị trường của top 100 công ty công ty toàn cầu giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương gần 3,8 nghìn tỷ USD. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009 (giảm 39%), theo phân tích của PwC.

1a.png
Mỹ tiếp tục thống trị top 100 công ty vốn hóa thị trường toàn cầu

Mỹ tiếp tục thống trị top 100 công ty toàn cầu 

Trong báo cáo 100 công ty hàng đầu toàn cầu, PwC cho biết, môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức do việc thắt chặt chính sách tài khóa, lạm phát cao và sự không chắc chắn xung quanh khu vực ngân hàng của Hoa Kỳ và châu Âu đã đè nặng lên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Hoa Kỳ chứng kiến ​​mức giảm 12% (2.969 tỷ USD) về vốn hóa thị trường, mặc dù vẫn giữ vị trí số một trong danh sách khu vực với khoảng 70 công ty nằm trong top 100. Các vị trí tiếp theo trong danh sách là Saudi Arabia và Trung Quốc mặc dù vốn hóa thị trường của 2 quốc gia này giảm lần lượt là 18% và 11%.

Điều kiện thị trường đầy thách thức trong năm qua rõ ràng đã ảnh hưởng đến các công ty lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phục hồi của hầu hết các lĩnh vực trong quý đầu tiên của năm 2023 và sự tăng trưởng của các công ty ở châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự lạc quan trong thời gian tới.

Stuart Newman, Giám đốc Trung tâm IPO Toàn cầu, PwC Vương quốc Anh.

Bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy biến động, châu Âu là khu vực duy nhất tăng trưởng theo năm, được hỗ trợ bởi hiệu suất ở Đan Mạch (+40%), Đức (+18%) và Pháp (+17%). Tổng vốn hóa thị trường châu Âu tăng 341 tỷ USD (9,5%), vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách khu vực.

Đức, Pháp và Đan Mạch đã có mức tăng trưởng đáng chú ý bất chấp các điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức. Một công ty công nghệ có trụ sở tại Đức đã chứng kiến ​​mức vốn hóa thị trường tăng 12% trong năm nay, một trong số ít trường hợp ngoại lệ trong top 100.

Theo danh sách, 5 công ty hàng đầu vẫn không thay đổi vị trí so với năm trước, nhưng lần đầu tiên sau 10 năm, tất cả các công ty này đều chứng kiến ​​mức giảm vốn hóa thị trường, chiếm 50% tổng mức giảm vốn hóa thị trường trong năm nay.

2a.png
5 công ty hàng đầu giảm vốn hóa thị trường nhưng vẫn không thay đổi vị trí so với năm trước. Ảnh: PwC

Các ngành công nghiệp chính suy giảm

Ở cấp độ ngành, tất cả các lĩnh vực chính đều giảm vốn hóa thị trường, dẫn đầu là hàng tiêu dùng tùy ý (-23%), dịch vụ truyền thông (-18%), tài chính (-11%) và năng lượng (- 10%). Tài chính và tiêu dùng tùy ý chiếm 56% tổng mức giảm vốn hóa thị trường.

Lĩnh vực tài chính đã hoạt động tốt hơn và được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Tuy nhiên, lo ngại về sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và châu Âu đã khiến giá cổ phiếu của một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới giảm. Hậu quả là dẫn đến việc một ngân hàng Hoa Kỳ rời khỏi danh sách sau khi giảm hơn 30% giá trị vào ngày 23/3.

Năng lượng cũng giảm 12%, với hiệu suất khác nhau giữa bảy công ty năng lượng hàng đầu. Trong đó, một công ty có trụ sở tại Saudi Arabia đã giảm 18% (404 tỷ USD), trong khi có một công ty khác trụ sở tại Hoa Kỳ đã tăng 28% (97 tỷ USD) trong năm.

Bất chấp sự phục hồi của ngành công nghệ trong quý I/2023, lĩnh vực công nghệ đã giảm 8% về tổng thể - mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã tăng tỷ trọng trong top 100 toàn cầu từ 27% năm 2022 lên 28% vào năm 2023 và tất cả 18 công ty công nghệ từ năm 2022 đều duy trì vị trong top 100.

Báo cáo top 100 toàn cầu của PwC xếp hạng các công ty đại chúng lớn nhất theo giá trị vốn hóa thị trường tính bằng USD vào ngày 31/3/2023 và vào các ngày tương ứng của những năm trước đó.

Vị trí của công ty là quốc gia hoặc khu vực nơi đặt trụ sở chính, trong đó, Trung Quốc và các khu vực lân cận bao gồm: Trung Quốc Đại lục, Đặc khu Hành chính Hồng Kông và Đài Loan. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được phân loại theo danh mục. Phần còn lại của Thế giới (RoW) bao gồm Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc.

Cùng chuyên mục
Top 100 công ty toàn cầu sụt giảm mạnh vốn hóa thị trường