TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế

(BKTO) - TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2025, giúp lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật phát triển kinh tế trong những năm sau.



Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM vào chiều 12/10.
                
   

Quang cảnh buổi giám sát.Ảnh: TTXVN

   

Báo cáo với Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã thông tin về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới trên địa bàn.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu những kiến nghị đối với Trung ương liên quan đến các vấn đề như bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố giai đoạn 2022-2025; ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM về những mất mát, đau thương mà Thành phố đã phải gánh chịu trong đại dịch; đồng thời đánh giá, đến nay với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, Thành phố đã vượt qua thử thách khó khăn nhất trong tổ chức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Để giữ vững những thành quả đạt được, Chủ tịch nước nhấn mạnh, TP.HCM cần hiểu rõ, nhất quán về chiến lược mới trong phòng, chống dịch Covid-19 với phương thức, cách làm phù hợp, không để lây lan dịch. “Việc kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, xã hội. Chính quyền Thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể xác định, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động do dịch bệnh” - Chủ tịch nước lưu ý.
                
   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giám sát.Ảnh: TTXVN

   

Về khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, đó là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế thông suốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhân lực, dịch vụ tài chính, tín dụng, thanh khoản cho doanh nghiệp, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đồng thời tăng cường đối thoại, nắm bắt, giải quyết khó khăn của từng doanh nghiệp, từng dự án; triển khai nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư công…

Thành phố cũng cần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, tạo điều kiện thu hút nguồn lao động bằng các biện pháp hỗ trợ như tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động, quan tâm đến điều kiện nhà ở, chính sách an sinh xã hội; phối hợp cùng các địa phương lân cận để đưa người lao động trở lại làm việc, triển khai đào tạo, đào tạo lại, kết nối người lao động với doanh nghiệp...

Về an sinh xã hội, Chủ tịch nước lưu ý Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là cho nhóm người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực cùng Nhà nước giải quyết các gói an sinh xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Thành phố tập trung tìm động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế pháp luật, đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế...

Cùng với đó, Thành phố cần sớm xây dựng Trung tâm tài chính khu vực phù hợp với mô hình tăng trưởng mới; nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2025, giúp lấy lại đà tăng trưởng.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu để lại cho Thành phố, để có nguồn lực phục hồi phát triển kinh tế…./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế