Trạm y tế phường Tây Mỗ: Mô hình điểm trong khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình

(BKTO) - Là 1 trong 4 trạm y tế tại Hà Nội được Bộ Y tế lựa chọn vào dự án 26 trạm y tế xã điểm thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, Trạm y tế phường Tây Mỗ đang trở thành điểm đến của nhiều bệnh nhân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.



Cũng giống như các trạm y tế nằm trong dự án, Trạm y tế phường Tây Mỗ đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện thành phố như Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện E, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Tim Hà Nội… từ đó góp phần nâng cao được năng lực KCB theo nguyên lý y học gia đình.

Đến nay, Trạm y tế phường Tây Mỗ đã phối hợp khám sàng lọc cho nhân dân tổng số khám 650 người, phát hiện 120 trường hợp tăng huyết áp, 78 trường hợp đái tháo đường; quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp 470 bệnh nhân, tiểu đường 260 bệnh nhân; lập hồ sơ quản lý sức khỏe 19.721/24.603 dân đạt 80,2%.
                
   

Mô hình quản lý hồ sơ người bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại Trạm y tế phường Tây Mỗ thu hút đông người dân - Ảnh: Thanh Bình

   
Theo bà Trần Thị Hoa- Trạm trưởng Trạm y tế phường Tây Mỗ, hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như số điện thoại, số chứng minh nhân dân.

Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe có đầy đủ các yếu tố liên quan (tiền sử bệnh tật, các kết quả xét nghiệm, chỉ định điều trị trước đây…) và được kết nối tới các đơn vị y tế sẽ tạo điều kiện, giảm phiền hà cho người dân khi đi chữa trị bệnh tại các cơ sở y tế; đặc biệt giúp các y, bác sỹ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất cho từng người bệnh.

“Có thể thấy, lợi ích của việc lập hồ sơ sức khỏe toàn dân là rất lớn, nhưng khối lượng công việc cũng rất nhiều”- bà Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình như Trạm y tế phường Tây Mỗ đang thực hiện cũng gặp một số khó khăn như: nhân lực bác sĩ và trình độ chuyên môn còn hạn chế; kinh phí sửa chữa nâng cấp trạm y tế xuống cấp chưa đáp ứng; tỷ lệ người dân đăng ký KCB bảo hiểm y tế ban đầu tại trạm y tế còn thấp; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe chưa hoàn thiện...
                
   

Đến thăm Trạm y tế phường Tây Mỗ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế Hà Nội cần tiếp tục đào tạo, tập huấn để các cán bộ y tế cơ sở có thể tư vấn sức khoẻ theo đặc điểm riêng của mỗi người dân -Ảnh: Thanh Bình

   
Từ chỗ nắm rõ các khó khăn, tồn tại, Trạm y tế phường Tây Mỗ xác định trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh. Vận động người dân hiểu về ý nghĩa của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân để phối hợp cùng cán bộ y tế thực hiện tốt hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Tư vấn, vận động người dân trồng và sử dụng cây thuốc nam tại cộng đồng.

Về phía cơ sở y tế, đại diện Trạm y tế phường Tây Mỗ cũng đề xuất, đồng thời cam kết thực hiện nâng cao hơn nữa chất lượng KCB, cải cách thủ tục hành chính hướng đến đáp ứng sự hài lòng của người dân khi đến trạm. Đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc và hóa chất, vật tư tiêu hao cho công tác KCB, phòng chống dịch.

Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thông qua hệ thống giám sát dịch từ các tổ dân phố đến trạm. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân sử dụng nước sạch và thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra đến 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố để đảm bảo chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn...
         
Năm 2017, Trạm y tế phường Tây Mỗ đã thực hiện KCB cho 3.872 lượt người. Trong đó, KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế 696 lượt; KCB kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại 1.587 lượt; chuyển tuyến 52 ca. Tổng số khám dự phòng là 16.100 lượt. Cũng trong năm 2017, trạm được công nhận đạt Tiêu chí xã tiên tiến về y dược học cổ truyền, vườn thuốc nam có đủ 65 cây thuốc, tỷ lệ bệnh nhân dùng thuốc đông y đạt 41%.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Trạm y tế phường Tây Mỗ: Mô hình điểm trong khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình