Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các SAI trong phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Hội thảo “Vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” do KTNN Việt Nam tổ chức sáng 09/7, tại Hà Nội, là diễn đàn để các nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong công tác phòng, chống tham nhũng.

dai-bieu-a.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: N.LY

Ngay sau phát biểu chào mừng của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng nhiều vấn đề mới nổi trong thời đại ngày nay, việc hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển nói chung và trong chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu thiết thực. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước, vai trò truyền thống của SAI được cho là nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công vì một môi trường quản trị nhà nước tốt. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của SAI trong phòng, chống tham nhũng trước hết là vai trò gián tiếp, tập trung vào ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa.

tong-ktn.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Qua khảo sát các quốc gia cho thấy, đối với nhiệm vụ chống tham nhũng, đa số các SAI chỉ thực hiện vai trò ngăn chặn và phòng ngừa. Một số ít SAI có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chống tham nhũng như kiểm toán điều tra, kết luận, xét xử, xử phạt… hành vi gian lận, tham nhũng. Nguyên nhân là do thể chế và pháp luật mỗi quốc gia quy định về chức năng, thẩm quyền của SAI khác nhau; mặt khác, có thể do các SAI không có đủ nguồn lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để kết luận, truy tố một hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ - đối tượng kiểm toán của SAI, đặc biệt là do hiệu quả, hiệu lực hoạt động và uy tín của SAI ngày càng tăng, tại một số quốc gia, SAI có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.

Trong cộng đồng Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhận thức về vai trò của SAI trong phòng, chống tham nhũng lần đầu tiên được đề cập tại Đại hội INTOSAI lần thứ 16 tại Uruguay vào năm 1998. Qua Đại hội này, INTOSAI hy vọng, thông qua hành động tập thể, các SAI có thể đóng vai trò thúc đẩy văn hóa chống lãng phí và đề cao các giá trị như trung thực, trách nhiệm và sử dụng hợp lý tài sản công.

quang-canh-ly-(1).jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Ly

Đối với Việt Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN Việt Nam được thành lập cách đây vừa tròn 30 năm. Địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: “Cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Ngoài Hiến pháp, Luật KTNN, hoạt động của KTNN còn được ghi nhận ở hơn 35 Bộ luật, luật khác. Trong đó, vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019.

“Để có thêm kinh nghiệm quý báu về vai trò, vị trí và thực tế triển khai nhiệm vụ của các SAI trong phòng, chống tham nhũng làm cơ sở định hướng cho hoạt động của KTNN trong những năm tới, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về vai trò của các SAI trong công tác phòng, chống tham nhũng” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đó, Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn tại Hội thảo, các đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề.

Một là, chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng.

Hai là, những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng.

Ba là, kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Bốn là, kiểm toán điều tra và các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán phát hiện gian lận và tham nhũng.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng bày tỏ trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các SAI, tổ chức quốc tế… đã đến tham dự Hội thảo.

Sau Phiên toàn thể, Hội thảo quốc tế bước vào phần trình bày tham luận của 04 Cơ quan: KTNN Nam Phi, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban Kiểm toán Indonesia và KTNN Việt Nam. Tiếp đó, theo chương trình, tại Phiên thảo luận, các đại biểu sẽ dành thời gian trao đổi đa chiều, chia sẻ kiến thức về vai trò của các SAI trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt với sự tham gia của 06 diễn giả đến từ các SAI và UNODC./.

Cùng chuyên mục
Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các SAI trong phòng, chống tham nhũng