Triển khai hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

(BKTO) - 10 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết 28) đã góp phần quan trọng giúp các địa phương phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Từ những kết quả đạt được, các địa phương đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược này trong thời gian tới.

3-.jpg
Việc tích cực thực hiện Nghị quyết 28 đã góp phần quan trọng giúp các địa phương phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Ảnh minh họa

Tạo động lực cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội

Theo đánh giá của các địa phương, trong 10 năm qua, trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương trên cả nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28; chủ động tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt, các địa phương đã chú trọng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, tạo cơ sở quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trong 10 năm qua, Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 28 với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt trên 7%; thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 3,7 triệu đồng/tháng, tăng 2,2 lần so với năm 2013. Tây Ninh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 28, suốt 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Trong đó, giai đoạn 2013-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,36% (năm 2022 đạt 12,51% và nằm trong nhóm 7 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng cao nhất cả nước). Quy mô kinh tế đạt 252.672 tỷ đồng (đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố). Tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2013-2022 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (năm 2022 đạt 138.919 tỷ đồng).

Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2022 đạt gần 195.000 tỷ đồng (năm 2022 đạt 48.820 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.924 USD/người. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 359 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã, 302 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, qua 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bình Thuận đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện; phát huy sức mạnh quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Giai đoạn 2016-2020, GRDP bình quân đạt 7,64%/năm (kế hoạch 7-7,5%).

Tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách bình quân hằng năm đạt 10,6% (kế hoạch 9,5-10%); bình quân hằng năm giải quyết việc làm 24.200 lao động (kế hoạch 24.000 lao động), tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,94% (kế hoạch 1-1,2%).

Năm 2022, kinh tế của tỉnh Bình Thuận đã phục hồi khá sớm trên 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, trong đó du lịch có nhiều khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Cũng trong năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 7,75% (kế hoạch tăng từ 7%); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.300 tỷ đồng, vượt 33,13% so với dự toán năm.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh

Có thể nói, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết 28 đã góp phần nâng cao vị thế, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, quá trình thực hiện Nghị quyết còn có một số hạn chế, như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt chuyển biến chậm; quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 28, các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

Đồng thời, nâng cao năng lực tham mưu, nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, khu vực phòng thủ; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục nhận thức sâu hơn về công tác dự báo tình hình trong nước, thế giới. Các cấp ủy đảng cần quán triệt sâu, kỹ trong hệ thống chính trị các tư duy mới, những quan điểm trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, vận dụng tốt phương châm “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù”; bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình để tránh bị động, bất ngờ.

Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương vững chắc về lực lượng, hạ tầng, kết nối, liên thông, liên hoàn. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với mỗi địa phương./.

Cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới