Nâng cao tính cạnh tranh, hạn chế tiêu cực trong đấu thầu

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

d086065b1899c5c79c88.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo Luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu.

Trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại điểm g khoản 1, “Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu theo hướng: trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

Đối với quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với: gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…

Đồng thời, quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng, phân cấp thẩm quyền quyết định trường hợp đặc biệt cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Cơ bản nhất trí với phương án Dự thảo Luật đã rà soát và thu hẹp phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu và luật hoá một số quy định của Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để phù hợp với thực tiễn, trong một số trường hợp đối với các dự án quan trọng quốc gia có những yếu tố đặc thù cần phải có những quy định chỉ định thầu khác Luật.

Do đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc không đưa những quy định cụ thể về các trường hợp đã chỉ định thầu trong các dự án quan trọng quốc gia mà cần nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về các trường hợp đặc thù cần chỉ định thầu do Quốc hội quyết định.

Cho ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chữ “đặc thù” và “điều kiện đặc thù” này rất điển hình, định nghĩa kiểu gì cũng không hết. Do vậy, trường hợp nào thật sự cần thiết thì ghi thẳng vào Dự thảo Luật, kể cả trường hợp Quốc hội quyết định cho phép chỉ định thầu và tiến tới là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để bảo đảm minh bạch.

Trong trường hợp thấy cần thiết vẫn phải duy trì trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quy định theo chủ trương phân cấp, phân quyền, một việc giao một người chịu trách nhiệm, giao Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng chịu trách nhiệm xem xét, quyết định, giao cho Bộ thì Bộ xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trường hợp mua sắm vaccine Covid-19 là rất khác, không phải như trường hợp gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 của Dự thảo Luật. Mua vaccine Covid-19 vừa qua là chưa bao giờ có tiền lệ. Trường hợp này là "đặc biệt của đặc biệt", do đó, cần có quy định phù hợp để sau này Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết riêng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là một nội dung quan trọng của Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và người dân.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, việc hoàn thiện nội dung này phải bám sát nguyên tắc nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Đấu thầu rộng rãi là phổ biến, xuyên suốt, các hình thức lựa chọn nhà thầu khác chỉ thực hiện khi không thể đấu thầu rộng rãi và phải quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện áp dụng trong Luật, chỉ giao Chính phủ quy định về trình tự và thủ tục./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao tính cạnh tranh, hạn chế tiêu cực trong đấu thầu