Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội được giao thực hiện 4 chuyên đề (số 9, 10, 11, 12). Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về việc thành lập Ban Chỉ đạo và 3 Tiểu ban để thực hiện, trong đó Tiểu ban số 2 thực hiện chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Chuyên đề số 11).
Quang cảnh phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Chuyên đề được xây dựng nhằm đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội; làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu đưa vào Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, do yêu cầu chung về tiến độ thời gian, Tiểu ban số 2 cần xác định nội dung công việc triển khai, thời điểm hoàn thành của từng tuần, từng tháng và bảo đảm đúng thời gian theo kế hoạch chung là sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội vào khoảng trung tuần tháng 12/2021.
Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban đã nghe công bố quyết định của Ban Chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội về việc thành lập Tiểu ban số 2; thảo luận về dự thảo Đề cương Chuyên đề số 11; Quy chế làm việc của Tiểu ban; phân công nhiệm vụ với Trưởng Tiểu ban, các Phó trưởng Tiểu ban; phân công thành viên Tiểu ban, Tổ Biên tập về xây dựng các Tiểu chuyên đề; Kế hoạch xây dựng Chuyên đề số 11; quyết định thành lập Tổ Biên tập Chuyên đề số 11.
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến thống nhất việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực khẳng định, đây là chuyên đề rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với định hướng đổi mới, phát triển của Quốc hội trong thời gian trước mắt và định hướng tới năm 2045.
Trưởng ban Công tác đại biểu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Nhận thức được tầm quan trọng của công việc được giao, ngay từ khi Đảng đoàn Quốc hội triển khai chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban Công tác đại biểu đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội để bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề cương chuyên đề và các tài liệu liên quan.
Trong quá trình xây dựng các dự thảo, Ban Công tác đại biểu đã xin ý kiến các đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội, các đồng chí nguyên là Trưởng Ban Công tác đại biểu các nhiệm kỳ, các đồng chí nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đồng chí có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Theo các đại biểu, việc xây dựng Chuyên đề cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và xác định được trọng tâm, các khâu đột phá, đặc biệt là giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra./.
ĐĂNG KHOA