Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo
Ngày 13/11, IMF cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước, khi các kết quả khảo sát về chỉ số quản lý thu mua (PMI) liên tục có dấu hiệu xấu trong những tháng gần đây.
Trong bài viết chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia, IMF cho biết trong thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu "cho thấy triển vọng kinh tế sẽ càng ảm đạm", đặc biệt là ở châu Âu.
Các chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang có dấu hiệu yếu đi tại hầu hết các nền kinh tế G20 vì lạm phát vẫn rất cao.
IMF nhấn mạnh: “Các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt là rất lớn và các chỉ số kinh tế xấu đi cho thấy những thách thức lớn hơn nữa đang ở phía trước”. Bên cạnh đó, môi trường chính sách tiền tệ hiện cũng đang “bất ổn một cách bất thường”.
Cũng theo IMF, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang, trong khi lạm phát cao kéo dài sẽ tiếp tục dẫn tới chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, qua đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.
IMF lưu ý điều này sẽ “làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ công ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương”. Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tháng trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 từ 2,9% xuống còn 2,7%. Theo IMF, viễn cảnh u ám này bắt nguồn từ các nguyên nhân như chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ngăn lạm phát tăng cao, đà tăng trưởng yếu của Trung Quốc cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung và mất an ninh lương thực kéo dài.
Vấn đề nợ sẽ là một chủ đề lớn tại Hội nghị G20
Dữ liệu sơ bộ do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng Sáu cho thấy dư nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp và trung bình trong năm 2021 đã tăng trung bình 6,9% lên 9.300 tỷ USD.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã tăng mạnh trong năm 2021.
Điều này nêu bật sự cần thiết phải giảm nợ của các nước nghèo. Dự kiến, báo cáo hàng năm của WB về tỷ lệ nợ toàn cầu sẽ được công bố vào tháng tới.
Theo ông Malpass, vấn đề nợ sẽ là một trong những chủ đề lớn tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia) ngày 15-16/11 tới.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 11/11, ông Malpass cho rằng các chủ nợ tư nhân cũng cần tham gia vào chương trình giảm nợ. Mặc dù các chủ nợ thuộc G20 và Câu lạc bộ Paris đã tạo ra một khuôn khổ chung cho các biện pháp xử lý nợ vào cuối năm 2020 để giúp các quốc gia vượt qua đại dịch COVID-19, nhưng việc triển khai đang bị đình trệ.
Dữ liệu sơ bộ do WB công bố vào tháng Sáu cho thấy dư nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp và trung bình trong năm 2021 đã tăng trung bình 6,9% lên 9.300 tỷ USD, vượt xa mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2020.
Các quan chức IMF và WB ước tính 25% các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đang hoặc gần rơi vào tình trạng không thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính, trong khi tỷ lệ tương ứng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình tăng lên 60%.
Hiện nay, các cú sốc về biến đổi khí hậu, chính sách tăng lãi suất và đà tăng của lạm phát đã gia tăng sức ép lên các nền kinh tế đang phục hồi từ đại dịch COVID-19.