Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông

(BKTO) - Với sự tăng trưởng doanh thu của ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) trong 5 tháng đầu năm 2022, tất cả các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định ngành công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt có tới 61,1% ý kiến phản hồi cho rằng ngành này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.



Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng

So với các cuộc khảo sát trước, có thể thấy kỳ vọng tăng trưởng của ngành công nghệ đang gia tăng nhanh chóng. Kết quả trên cũng phản ánh quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
                
   

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DN và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020, tháng 6/2021 và tháng 6/2022

   

Đáng chú ý, quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” được coi là một xung lực quan trọng thúc đẩy ngành CNTT-VT tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bởi muốn đạt được các mục tiêu của Chương trình, các DN công nghệ Việt cần nỗ lực không ngừng, nâng tầm năng lực hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số là đưa các hoạt động, thủ tục phục vụ người dân, DN lên môi trường số, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi của chuyển đổi số. Các DN và chuyên gia đánh giá, đây cũng là một trong những động lực chính để phát triển ngành CNTT Việt Nam trong một vài năm tới.
         
Năm 2021 tổng doanh thu ngành CNTT-VT đạt 136,153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số DN công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 DN, tăng 9,5% so với năm 2020. Doanh thu CNTT-VT trong 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, để bắt nhịp đà tăng trưởng, các DN cần có một chiến lược rõ ràng và chặt chẽ, bám sát các xu hướng thế giới. Tại Việt Nam, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chuyển đổi số đã diễn ra tại hầu hết các loại hình DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, giao thông, du lịch..., mở ra một thị trường khách hàng tiềm năng cho các DN công nghệ, tuy nhiên, tốc độ triển khai tại Việt Nam chưa cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại dịch bùng phát đã khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tê liệt, buộc phải dùng đến các nền tảng trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ công tác truy vết y tế… Như vậy, Covid-19 đã trở thành là một cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN và chuyên gia đánh giá đây là cơ hội hàng đầu đối với ngành công nghệ tăng mạnh và khi đại dịch lắng xuống, xu hướng này trở thành tất yếu trong năm 2022.

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin đạt ở mức cao giúp cho kinh tế Việt Nam từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng dịch. Đây được coi là động lực để tái khởi động nền kinh tế nói chung và tăng tốc chuyển đổi số tại các DN CNTT-VT nói riêng.

Ngoài ra, tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ ở mức cao so với thế giới vẫn là một trong những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số khi mà dự báo các dịch vụ Mobile data đang trong giai đoạn tăng trưởng đến năm 2025.
                
   

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DN và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020, tháng 6/2021 và tháng 6/2022

   

Chiến lược ứng phó với thách thức

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia và DN, bên cạnh những cơ hội, quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh bình thường tiếp theo tại các DN CNTT-VT Việt Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, Top 3 khó khăn mà các DN ngành CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt là: thủ tục hành chính phức tạp (72,2%); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (66,7%) và nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều giới hạn (55,6%).

Cụ thể, kết quả khảo sát chuyên gia và DN công nghệ chỉ ra hạn chế trong thủ tục hành chính đối với các DN có xu hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây. Tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới trong công nghệ, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới trong DN. Lúc này các bộ luật bộc lộ ra những điểm không phù hợp trong công tác thực thi, gây ra những bất cập, khó khăn cho các DN.

Trong khi chuyển đổi số được coi là động lực của đổi mới sáng tạo, thế nhưng, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm công nghệ tại Việt Nam còn bị giới hạn và DN còn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động tiếp cận vốn đầu tư. Thực tế, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ tại Việt Nam (cả khu vực nhà nước và tư nhân) cũng chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát đã cho thấy, có sự cải thiện trong việc tiếp cận vốn đầu tư khi tỷ lệ DN coi đây là khó khăn hàng đầu đã giảm đáng kể từ mức 33,3% vào năm 2020 xuống 23,5% vào năm 2021 và chỉ còn 16,7% vào năm 2022. Tương tự, những giới hạn trong công tác R&D cũng được tháo gỡ dần khi từ vị trí số 1 trong Top 3 khó khăn lớn nhất giai đoạn 2020-2021 xuống vị trí thứ 3 trong năm 2022. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả của những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong công tác hỗ trợ DN công nghệ thúc đẩy “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, các DN và chuyên gia công nghệ đã chỉ ra Top 5 chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số của các DN công nghệ, gồm: tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (88,3%); nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (88,3%); tăng cường hoạt động R&D (77,8%); nâng cao uy tín, hình ảnh của DN trên truyền thông (55,6%) và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (61,1%).
                
   

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DN và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020, tháng 6/2021 và tháng 6/2022

   

Trong đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ sống còn của mọi DN CNTT-VT. Thực trạng mất cân đối giữa nguồn cung cầu về nhân lực đang là một trong những thách thức lớn đối với các DN công nghệ, trong đó tỷ lệ mất cân đối này còn cao hơn tại các DN nằm trong các lĩnh vực mới nổi như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật do có sự đòi hỏi nhân sự chất lượng cao.
         
Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% số lượng sinh viên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của các DN. Trong khi đó với xu hướng dịch chuyển sang làm việc từ xa, kéo theo đó là những chiến lược thu hút nhân tài tại các tập đoàn công nghệ nước ngoài, đây trở thành điểm dừng chân với những nhân sự có trình độ cao. Điều này làm cho vấn đề thiếu nhân sự chất lượng cao tại các DN công nghệ càng trở nên trầm trọng./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông