Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: “Đường đến mục tiêu”

(BKTO) - Các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giữ vị trí, vai trò then chốt, chủ đạo trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Bám sát nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Báo Kiểm toán triển khai tuyến bài “Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: Đường đến mục tiêu”, nhằm nhận diện rõ thực trạng, những vướng mắc, bất cập; qua đó gợi mở, đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Bài 1: Khi tự chủ là yêu cầu “sống còn”…

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho thấy, việc thực hiện đổi mới ĐVSNCL là vấn đề sống còn... Bên cạnh kết quả bước đầu, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các ĐVSNCL vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là tình trạng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách, dẫn đến trì trệ trong tổ chức hoạt động.

202408190902172051_dsc_7147.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”. Ảnh: VPQH

“Trái ngọt” từ những quyết sách đúng đắn…

Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống các ĐVSNCL trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới tổ chức hoạt động của các ĐVSNCL.

Ngày 26/5/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 37-KL/TW về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng xác định: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công”. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL” (Nghị quyết 19). Mục tiêu tổng quát được đặt ra là: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn... Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho ĐVSNCL để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL…”.

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực triển khai các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL với nhiều cơ chế, chính sách quy định về cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL được ban hành. Trong đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL đang được thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ và Thông tư số 56/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.

8f6a5d94913c37626e2d.jpg
Thư viện hiện đại của Đại học Kinh tế quốc dân thu hút đông sinh viên chính là minh chứng cho những kết quả trong thực hiện tự chủ của đơn vị. Ảnh: N. LỘC

Từ định hướng, chính sách trên, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai áp dụng và đạt những kết quả quan trọng. Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018-2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL giai đoạn 2015-2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Đơn cử, đến năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 26 đơn vị tự chủ tài chính, trong số 109 đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo công lập và đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập, đạt 23,9% so với mục tiêu tại Nghị quyết 19 là có 10% đơn vị tự chủ tài chính. Còn tại Bộ Y tế, tổng số các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ hiện nay là 81 đơn vị (giảm 2 đơn vị so với năm 2019)… Các ĐVSNCL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, từng bước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN thuộc phạm vi quản lý. Giai đoạn 2015-2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%).

Cùng với đó, chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của ĐVSNCL. “Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí” - ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL thời gian qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đơn cử, theo kết quả giám sát, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học; tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021-2023.

Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021-2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp và còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp…

444f02eece4668183157.jpg
Việc thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của ĐVSNCL không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn cung cấp cho người dân những dịch vụ chất lượng hơn. Ảnh: N. LỘC

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, việc sắp xếp đơn vị đối với lĩnh vực y tế chủ yếu vẫn mang tính cơ học, chưa tính một cách đầy đủ tới các yếu tố đặc thù, nhất là khi áp dụng chính sách tiền lương mới, sẽ tác động không nhỏ đến bộ phận người dân, đặc biệt là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu hút, giữ chân lực lượng y, bác sĩ có năng lực ở các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ; tổng chi thường xuyên từ NSNN cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm…

Mặc dù vượt chỉ tiêu nhưng tỷ lệ các ĐVSNCL tự chủ còn rất thấp. Trong tổng số hơn 48.000 ĐVSNCL, các đơn vị tự chủ cấp 2 trở lên chỉ có 3.139 đơn vị tự chủ, trong đó có 266 đơn vị là tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo Đoàn giám sát, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, toàn diện; còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; chưa chú trọng việc xây dựng, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về ĐVSNCL; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa phân định rõ vai trò quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công…

Theo KTNN, những bất cập, hạn chế này còn có nguyên nhân quan trọng xuất phát từ trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành chủ quản. Qua kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện, các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 cho thấy, công tác xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ còn chậm, dẫn đến thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện; việc giao tự chủ nhưng không xác định tỷ lệ NSNN hỗ trợ, một số đơn vị kinh phí NSNN cấp không giảm theo lộ trình…

Theo kết quả kiểm toán năm 2023, tại một số Bộ, việc phân loại đơn vị tự chủ, mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL chưa phù hợp; có Bộ có tới 68 đơn vị đã gửi hồ sơ xin phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 nhưng chưa được thẩm tra...

Cùng với những bất cập, hạn chế trên, những lỗ hổng trong cơ chế quản lý, tình trạng lạm dụng chính sách để lạm thu, thực hiện liên doanh, liên kết làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây thất thoát nguồn lực nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng đến chủ trương, mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh tự chủ tại các ĐVSNCL.

Vấn đề này sẽ tiếp tục được chúng tôi phản ánh trong kỳ tiếp theo…

Cùng chuyên mục
  • Giai đoạn 2026-2030: 100% lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sử dụng chữ ký số
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1087/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”.
  • Hỗ trợ phát triển toàn diện HTX Nông nghiệp tại Hâu Giang
    2 tháng trước Xã hội
    Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND của tỉnh Hậu Giang, có 15/15 HTX tham gia và được thụ hưởng chính sách, đáp ứng cơ bản 08 nhóm tiêu chí đầu vào và được UBND tỉnh thống nhất cho tham gia Đề án.
  • Kết nối hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục Đại học Việt Nam
    2 tháng trước Xã hội
    Ngày 2/10, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) phối hợp với Mạng lưới ĐMST và khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đồng tổ chức Hội thảo “ĐMST và khởi nghiệp trong giáo dục Đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 5 năm ngày thành lập NIC và Ngày hội ĐMST Viêt Nam 2024.
  • Tái thiết sau bão lũ
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Có lẽ đã rất lâu rồi, người dân Việt Nam mới trải qua một cơn siêu bão với cường độ mạnh đến thế, sức tàn phá khốc liệt đến vậy. Dù bão lũ đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn ở lại. Và hơn hết, nỗi đau ấy vẫn dai dẳng, không gì có thể bù đắp. Nền kinh tế đang bứt tốc để về đích đã vấp phải nhiều gian nan hơn. Tái thiết sau bão lũ còn rất nhiều việc phải làm…
  • Gỡ vướng trong giám định bảo hiểm y tế
    2 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, những bất cập trong quy định pháp luật về giám định bảo hiểm y tế (BHYT) dẫn đến cơ quan BHXH và các cơ sở y tế khó đạt được sự thống nhất về kết quả giám định, từ đó chậm thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, ảnh hưởng đến đến hoạt động KCB của cơ sở y tế.
Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: “Đường đến mục tiêu”