Tự động xác định mức độ rủi ro của người nộp thuế

(BKTO) - Từ ngày 02/7/2021, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp.



                
   

Cơ quan thuế lựa chọn ngẫu nhiên hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có rủi ro trung bình và đưa vào danh sách khảo sát doanh thu - Ảnh internet

   

Theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Thông tư 31) vừa được ban hành, đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có rủi ro cao, cơ quan thuế áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp: rà soát, kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan làm cơ sở xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; lập danh sách kiểm tra, khảo sát để xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức có liên quan.

Cơ quan thuế lựa chọn ngẫu nhiên đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có rủi ro trung bình và đưa vào danh sách khảo sát doanh thu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tiếp tục thực hiện phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo. Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được đánh giá là có rủi ro thấp, cơ quan thuế lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Đối với cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) thuộc diện có rủi ro cao, cơ quan thuế lựa chọn vào danh sách kiểm tra, xác minh thực tế và tổ chức thực hiện kiểm tra, xác minh theo quy định hiện hành.

Cơ quan quản lý lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo đối với cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thuộc diện rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Trong trường hợp cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thông qua tổ chức chi trả thu nhập thì được kiểm soát qua việc phân tích dấu hiệu rủi ro của tổ chức chi trả thu nhập.

Đối với cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất thuộc diện rủi ro cao, cơ quan thuế thực hiện phân tích hồ sơ, lập danh sách trình thủ trưởng cơ quan thuế kế hoạch kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định hiện hành đối với cá nhân và tổ chức có liên quan. Trường hợp rủi ro trung bình và rủi ro thấp, cơ quan thuế lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Trong đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Thông tư 31 có hiệu lực từ ngày 02/7/2021./.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tự động xác định mức độ rủi ro của người nộp thuế