Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu trong bối cảnh mới

THÙY LÊ (thực hiện) | 06/03/2023 19:34

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức thành công Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán năm 2023. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN năm 2023 - về kết quả cũng như ý nghĩa của sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn Ngành.

3.jpg
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc. Ảnh: Nguyễn Ly

Thưa ông! Vừa qua, KTNN đã hoàn thành việc tổ chức Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên (KTV) trên phạm vi toàn Ngành. Ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức và kết quả của các thí sinh?

Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán năm 2023 (Kỳ đánh giá) diễn ra từ ngày 12-21/02. Đây là lần đầu tiên KTNN tổ chức một Kỳ đánh giá có quy mô và mang tính chuyên nghiệp cao với sự tham gia của 552 KTV bao gồm: KTV cao cấp, KTV chính và KTV.

Đến thời điểm này, Kỳ đánh giá đã thành công tốt đẹp và đạt được kết quả đúng như kỳ vọng của lãnh đạo KTNN, đó là đảm bảo công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong đánh giá KTV. Hội đồng đánh giá đã chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về trang thiết bị, quy chế, tính bảo mật của đề thi, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh.

Có thể nói, đây là kỳ đánh giá riêng, đặc biệt của KTNN và chưa có tiền lệ nên Hội đồng có nhiều nhiệm vụ khác biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với các hội đồng thi thông thường khác. Tôi đánh giá cao nỗ lực của tất cả các thành viên trong Hội đồng để hoạt động đánh giá tại 3 cụm diễn ra suôn sẻ, đúng quy định và chuyên nghiệp.

4.jpg
100% thí sinh có kết quả Đạt trong Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ
của KTNN năm 2023. Ảnh: Nguyễn Ly

Về kết quả đánh giá, 100% thí sinh có kết quả Đạt, trong đó, phần lớn thí sinh có kết quả trả lời đúng 50-59/60 câu. Các khối kiến thức chung, khối kiến thức chuyên ngành kiểm toán ngân sách nhà nước, tài chính, ngân hàng..., khối kiến thức về quy trình, chuẩn mực, lập và thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán đều có tỷ lệ thí sinh trả lời đúng cao. Đặc biệt, hệ thống phần mềm đánh giá của KTNN cũng ghi nhận các thí sinh hoàn thành bài thi chủ yếu trong khoảng 30-60 phút/90 phút.

Kết quả trên cho thấy năng lực của đội ngũ công chức, KTV nhà nước tương đối đồng đều, am hiểu kiến thức chuyên môn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán và có ý thức tự giác học tập. Kết quả này cũng thể hiện sự nghiêm túc của các thí sinh tham gia Kỳ đánh giá và sự quyết tâm, nỗ lực của công chức, KTV trong việc tự học tập, rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Kinh nghiệm vốn có trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cộng với việc tìm tòi, học hỏi, rèn luyện kỹ năng là nền tảng tốt để đội ngũ nhân lực KTNN đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.

Như chia sẻ của ông, Kỳ đánh giá đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo KTNN. Vậy theo ông, đâu là những yếu tố làm nên thành công của Kỳ đánh giá?

Trước tiên, phải khẳng định rằng, Kỳ đánh giá thành công tốt đẹp là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN. Xác định tầm quan trọng của Kỳ đánh giá, lãnh đạo KTNN đã có sự chỉ đạo từ rất sớm đối với công tác chuẩn bị. Theo đó, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ đánh giá đòi hỏi sự phối hợp của các đơn vị trong toàn Ngành, cũng như sự nhất quán trong quan điểm, chỉ đạo, thực hiện từ cấp cao nhất là Tổng Kiểm toán nhà nước đến lãnh đạo các đơn vị và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, KTV.

1.jpg
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc trực tiếp giám sát các ca thi. Ảnh: Nguyễn Ly

Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Kỳ đánh giá chính là sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện được tâm huyết, trí tuệ của toàn Ngành. Để chuẩn bị cho Kỳ đánh giá, ngay từ năm 2021, KTNN đã ban hành Quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán; thành lập Ban xây dựng nội dung đánh giá và ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN (Ban xây dựng nội dung).

Trong đó, Ban xây dựng nội dung có khoảng 80 thành viên là các lãnh đạo, chuyên gia trong Ngành đã nghiên cứu, thảo luận, biên soạn hơn 1.800 câu hỏi. Bộ câu hỏi này bao phủ tất cả các lĩnh vực kiểm toán và được cập nhật thường xuyên theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, cũng như các quy định, hướng dẫn, chuẩn mực của KTNN. Nội dung các câu hỏi không chỉ phục vụ cho các kỳ đánh giá năng lực chuyên môn mà quan trọng hơn, đây là công cụ hữu hiệu giúp KTV chủ động, thường xuyên ôn luyện, tự bổ sung kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

Bên cạnh việc chỉ đạo xây dựng nội dung đánh giá và ngân hàng câu hỏi, lãnh đạo KTNN đã giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị gồm: Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Tin học và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp xây dựng một hệ thống phần mềm tích hợp các câu hỏi hỗ trợ việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán.

Hệ thống phầm mềm được xây dựng, hoàn thiện trong thời gian 6 tháng và đến cuối năm 2022, phần mềm đã được thử nghiệm vận hành trước khi đi vào hoạt động chính thức để phục vụ cho Kỳ đánh giá. Cùng với đó, Trung tâm Tin học đã phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán để kiểm tra, lựa chọn địa điểm phù hợp, chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho Kỳ đánh giá.

2.jpg
Hội đồng làm việc xuyên suốt trước, trong và sau mỗi ca đánh giá. Ảnh: Nguyễn Ly

Kỳ đánh giá được tổ chức thành công còn là kết quả của tinh thần làm việc rất bài bản, nghiêm túc của Hội đồng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban. Để đảm bảo công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong đánh giá KTV, đáp ứng yêu cầu của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN, Hội đồng đã trình Tổng Kiểm toán nhà nước kế hoạch thành lập Ban giám sát độc lập làm nhiệm vụ giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động của Hội đồng cũng như toàn bộ Kỳ đánh giá.

Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Tin học và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cùng rà soát ban hành Quy chế và hướng dẫn thi trên máy tính. Rất nhiều phương án, tình huống đã được Hội đồng đưa ra và thảo luận, nghiên cứu kỹ để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Như vậy, trong 2 năm, KTNN đã dành nhiều thời gian và công sức, huy động trí lực, trách nhiệm của tập thể trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, phần mềm để phục cho Kỳ đánh giá. Đây là những yếu tố quan trọng để KTNN hoàn thành việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực một cách công tâm, khách quan, công bằng, làm cơ sở quan trọng cho việc sắp xếp, bố trí, quy hoạch nhân sự đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Kết quả của Kỳ đánh giá có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đặt ra ngày càng cao đối với KTNN, thưa ông?

Có thể nói, kết quả của Kỳ đánh giá này đã góp phần làm dày thêm thành tích của KTNN trong hành trình gần 30 năm thành lập và phát triển. Gần 30 năm qua, KTNN luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, KTV “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành cũng như các yêu cầu đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, nguồn nhân lực là một trong ba trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Theo đó, Chiến lược xác định: “Nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, KTV nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.”

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước vào hoạt động kiểm toán, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho công chức, KTV phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Đây là bước đi cần thiết để xây dựng đội ngũ công chức, KTV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn, làm cơ sở để bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với công tác kiểm toán và cũng là căn cứ xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Với mục tiêu quan trọng đó, kết quả của Kỳ đánh giá là bước đầu để KTNN có bức tranh tổng quan về năng lực của đội ngũ công chức, KTV, tiến tới việc tổ chức định kỳ hằng năm và hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN trong thời gian tới. Việc tổ chức Kỳ đánh giá thể hiện sự nỗ lực của toàn Ngành nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đặt ra đối với hoạt động kiểm toán trong bối cảnh KTNN ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và chủ động thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thưa ông! Sau Kỳ đánh giá này, KTNN sẽ có những bước đi như thế nào để tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, KTV?

Sau Kỳ đánh giá này, Hội đồng đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán năm 2023 đã tổ chức một cuộc tổng kết, đánh giá toàn diện chất lượng từ khâu tổ chức, thực hiện, nội dung đề thi đến kết quả của thí sinh. Đây là công việc rất quan trọng để KTNN có được những thông số cơ bản nhất về năng lực của đội ngũ công chức, KTV cũng như chất lượng của hệ thống phần mềm và các trang thiết bị kỹ thuật.

Kết quả của Kỳ đánh giá này sẽ được lưu trong hồ sơ cán bộ của từng cá nhân, gửi đến lãnh đạo các đơn vị và Tổng Kiểm toán nhà nước. Đây là căn cứ để KTNN và từng đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Đặc biệt, kết quả và kinh nghiệm từ Kỳ đánh giá này sẽ là cơ sở để KTNN nghiên cứu phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực KTNN theo định kỳ hằng năm, đảm bảo thường xuyên, liên tục, bài bản, khoa học. Để thực hiện được mục tiêu này, KTNN cần hoàn thiện bổ sung Quy chế đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KNTN; nghiên cứu thời gian tổ chức Kỳ đánh giá hằng năm phù hợp với kế hoạch công tác của KTNN. Đồng thời, các phần mềm cần được nâng cấp, hoàn thiện các chức năng để hỗ trợ tốt hơn cho công tác đánh giá.

Đối với hệ thống ngân hàng hơn 1.800 câu hỏi, KTNN sẽ phải tiến hành rà soát, chỉnh sửa, cập nhật đáp án và những kiến thức mới, nhất là những nội dung liên quan đến đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống ngân hàng câu hỏi phải đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành, đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức cho công chức, KTV và phục vụ tốt hơn các kỳ đánh giá năng lực, chuyên môn.

Kết quả của các kỳ đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN, hướng tới xây dựng cơ quan KTNN có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng cao của Quốc hội cũng như xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu trong bối cảnh mới