Tuyên bố chung Việt Nam-Nepal, ghi nhận đóng góp to lớn của Phật giáo

(BKTO) - Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli cùng Phu nhân chụp ảnh chung tại Trụ sở Chính phủ, trước khi tiến hành hội đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc,Thủ tướng NepalK P Sharma Oli thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9-13/5.

Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến 13/5/2019. Tháp tùng Thủ tướng Nepal có Phu nhân Radhika Shakya, Bộ trưởng Ngoại giao Pradeep Kumar Gyawali, các cố vấn của Thủ tướng, thành viên Quốc hội, các quan chức cấp cao và đoàn doanh nghiệp.

2. Lễ đón chính thức Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày 11/5/2019. Sau lễ đón, Thủ tướng Nepal đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thủ tướng Nepal cũng đã thăm và phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nepal. Trước đó, Thủ tướng Nepal đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng K P Sharma Oli sẽ dự và phát biểu tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc ngày 12/5/2019.

3. Hội đàm chính thức diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, thắm tình hữu nghị. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Nepal bày tỏ ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cảm ơn Thủ tướng Nepal đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức, cho rằng chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nepal đến Việt Nam lần này sẽ góp phần tăng cường quan hệ nhiều mặt giữa hai nước thời gian tới.

Thủ tướng Việt Nam chúc mừng nhân dân Nepal về những thành tựu chính trị mang tính lịch sử về tiến trình dân chủ hòa bình trong nước, đã được thể chế hóa bằng hiến pháp dân chủ và việc thành lập một Chính phủ ổn định; hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Nepal trong việc nâng cao đời sống nhân dân và chúc Nepal sớm hiện thực hóa tầm nhìn “đất nước Nepal thịnh vượng, người dân Nepal hạnh phúc.” Sauhội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn kiện, bao gồm: Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; Bản ghi nhớ lập cơ chế Tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao và Ý định thư về đàm phán và ký kết Hiệp định khung về hợp tác thương mại và đầu tư.

4. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh những nét tương đồng về văn hóa và lịch sử giữa hai nước, ghi nhận Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong kết nối nhân dân. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận Việt Nam và Nepal đều đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vì nền độc lập của dân tộc.

5. Hai bên hoan nghênh hai nước sẽ tiến hành các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2020, đồng thời khẳng định chuyến thăm là cột mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ song phương và giúp tăng cường hợp tác du lịch, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

6. Trên cơ sở phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương cùng với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hai nhà Lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn chung về mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thốngViệt Nam-Nepaltrên tất cả các lĩnh vực.

7. Nhắc lại cuộc gặp bên lề hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos tháng 1/2019, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Chính phủ, cơ quan lập pháp, địa phương và giao lưu nhân dân.

8. Hai bên hoan nghênh việc ký Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, Bản ghi nhớ lập cơ chế Tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao, Ý định thư về đàm phán và ký Hiệp định khung hợp tác thương mại và đầu tư, cho rằng đây là các văn kiện quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương thời gian tới.

9. Hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại song phương còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh mỗi nước. Hoan nghênh Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Nepal (NCC) đã ký gia hạn Bản Ghi nhớ thúc đẩy hợp tác tháng 4/2018, hai bên đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác về kinh tế, thương mại, khuyến khích doanh nghiệp hai nước khảo sát thị trường, tham gia các hoạt động kết nối giao thương, đặc biệt trên các lĩnh vực như thiết bị điện, cà phê, chè, thủy sản, may mặc, da giày và tìm kiếm hợp tác trên các lĩnh vực mới như năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.

10. Hai nhà lãnh đạo nhất trí xem xét các đề xuất về tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của mỗi nước, thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nông nghiệp, mở rộng trao đổi chuyên gia nông nghiệp. Thừa nhận nguyện vọng của Nepal tốt nghiệp khỏi Nhóm các quốc gia kém phát triển nhất, phía Việt Nam hoan nghênh các sản phẩm của Nepal tiếp cận thị trường Việt Nam và khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng của Nepal.

11. Hai bên nhất trí trao đổi kinh nghiệm về thực thi pháp luật, thông tin tội phạm và xem xét đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý trong phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự, với ưu tiên trước mắt là Thỏa thuận giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Nepal về phòng chống tội phạm.

12. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước. Hoan nghênh Nepal tổ chức thành công xúc tiến du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/2019, hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy khách du lịch đến các thắng cảnh nổi tiếng của hai nước.

Phía Việt Nam ủng hộ Năm Du lịch Nepal 2020 thông qua thúc đẩy du khách tới Nepal, trong đó có Lumbini, nơi sinh của Đức Phật. Nhắc lại Bản ghi nhớ giữa các cơ quan hàng không Nepal và Việt Nam ngày 20/10/2015, hai bên nhấn mạnh nhu cầu lập đường bay thẳng và giao hai Bộ Giao thông Vận tải xem xét khả năng ký Hiệp định Dịch vụ Hàng không để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-Nepal hoạt động hiệu quả từ tháng 11/2018 và nhất trí thúc đẩy thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Nepal tại Hà Nội trong thời gian tới.

13. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, hậu cần và phòng chống thảm họa thiên tai.

14. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm duy trì chủ nghĩa đa phương và tìm giải pháp cho các vấn đề chung; nhấn mạnh nhu cầu hợp tác vì một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, bao trùm, dựa trên luật lệ và dân chủ.

15. Hai Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cảm ơn Chính phủ Nepal đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

16. Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu và mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Nepal. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ nhận lời. Thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Theovietnamplus.vn

Cùng chuyên mục
Tuyên bố chung Việt Nam-Nepal, ghi nhận đóng góp to lớn của Phật giáo