Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; công tác bảo vệ và phát triển rừng; kết quả giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Đồng chí khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS&MN.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, thực hiện từ sớm, từ xa tạo nên tiềm lực to lớn để tỉnh phát huy thế mạnh. Tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì đạt trên 65% ở tốp đầu cả nước. Diện tích rừng trồng mới sau khai thác hằng năm bình quân trên 11.000 ha/năm, tạo vùng nguyên liệu tập trung trên 190.000 ha, trong đó diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 49.000 ha (đứng thứ 2 cả nước).
Tỉnh có trên 448.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên), diện tích đất có rừng trên 426.000 ha với đầy đủ các chức năng rừng như: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Tỉnh đã hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng cho 319 thôn, bản, 1950 hộ gia đình đồng bào DTTS; trợ cấp gạo cho 2.469 hộ gia đình nghèo tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tạo điều kiện để các hộ gia đình đồng bào DTTS vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc kết hợp bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện giao đất, giao rừng cho các chủ sử dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp từ năm 2019 đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 37% diện tích đã có chủ quản. Lâm nghiệp đã và đang là một trong những thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn. Đặc biệt là nhiều chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho việc giao đất, giao rừng; một số chính sách còn vướng mắc, bất cập về cơ chế, điều kiện thụ hưởng, giải pháp huy động nguồn lực…
Tại buổi làm việc, đại biểu đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS&MN; những khó khăn, giải pháp trong việc giải ngân các dự án, chương trình, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; việc giải quyết vấn đề thiếu đất ở cho đồng bào DTTS; việc cấp giấy quyền sử dụng đất, quản lý rừng, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã đánh giá cao nỗ lực, kết quả bước đầu phát thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng, ổn định sinh kế của tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS&MN; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quan tâm đến công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định các chủ thể đủ điều kiện pháp lý.
Trong giao khoán bảo vệ rừng, người dân là chủ lực, do đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ rừng. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm, thực hiện tốt việc giao rừng cho cộng đồng, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng; thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…