Tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2018: Tăng tự chủ, siết chất lượng

(BKTO) - Điểm chuẩn làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) xét tuyển thí sinh dự kiến giảm, các trường được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong tuyển sinh, xác định ngưỡng điểm đầu vào… là những thông tin đáng chú ý trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đang cận kề.



Điểm chuẩn dự báo giảm, trường tự chủ tuyển sinh

Sau kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia, thông tin xét tuyển, tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2018 đang “nóng” lên từng ngày. Tuy nhiên, nhiều trường cũng dự báo, với độ khó, tính phân loại của đề thi năm nay được cho là cao hơn mọi năm, điểm chuẩn có thể sẽ giảm.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc xác định mức điểm chuẩn cụ thể phải căn cứ vào thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tuy nhiên, các trường cần chuẩn bị sẵn những kịch bản để thực hiện tốt yêu cầu tuyển sinh của Trường. Năm ngoái, mức điểm chuẩn vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân dao động từ 23 - 27 điểm. Năm nay, Trường tiếp tục xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm trúng tuyển theo ngành; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.

Sau kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh chuẩn bị cho đợt tuyển sinh ĐH, CĐ- Ảnh: Phạm Thịnh

Tương tự, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP. HCM Từ Hữu Huy Nhựt cũng dự đoán, do đề thi phân hóa hơn nên có thể điểm chuẩn vào Trường sẽ giảm một chút so với năm trước. Năm trước, điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế TP. HCM cao nhất là 24,5 điểm, thấp nhất là 21,5 điểm. Theo đó, mức điểm chuẩn của Trường năm nay được dự báo có thay đổi, nhưng không đáng kể.

Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng, năm nay, việc xét tuyển ĐH, CĐ có 2 điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, chỉ những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá số chỉ tiêu các năm trước.

Về lịch trình tuyển sinh ĐH, CĐ, theo kế hoạch được Bộ GD&ĐT công bố, từ ngày 19 - 26/7, sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với số điểm mà mình đạt được. Các trường sẽ công bố kết quả thi, xét tuyển trước ngày 16/8. Thời gian này, thí sinh có quyền xác định nhập học, xét tuyển bổ sung hoặc chờ xét tuyển bằng phương thức khác.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Mặc dù giao quyền nhiều hơn cho các trường được tự chủ tuyển sinh, xác định điểm đầu vào, nhưng Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không có tình trạng thả nổi chất lượng của các trường. Bởi, cùng với việc giao quyền, Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh về chỉ tiêu tuyển sinh.

Một nỗi lo khác được đặt ra, đó là tình trạng thí sinh “ảo” xuất hiện sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Kết quả dữ liệu từ Bộ GD&ĐT, sau đợt thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn lớn, thậm chí có nhiều trường hợp đăng ký hơn 20 nguyện vọng.

Tại những trường có lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp hoặc dao động quanh mức chỉ tiêu, nỗi lo thí sinh “ảo” càng lớn. Bởi, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh thường sẽ có sự điều chỉnh nên rất khó xác định được mức độ “ảo”. Không ít trường hợp khi có kết quả điểm thì chuyển sang học nghề, đi lao động hoặc đi học các trường ngoài công lập. Đây đang là nỗi trăn trở của hầu hết các trường.

Liên quan đến việc xử lý tình trạng thí sinh “ảo”, tại Hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng đây là trách nhiệm của các trường. Học sinh, phụ huynh muốn mọi sự công khai, minh bạch. Học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường thì các em có quyền chọn một trường mà mình thích. Các trường phải coi việc này là bình thường và thuộc trách nhiệm giải quyết của trường.

Giải tỏa lo ngại về tình trạng thí sinh “ảo”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu lên một số giải pháp, trong đó, các trường cần lập nhóm chống ảo, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật của Bộ. “Đã có 60% trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó giúp “lọc ảo” hiệu quả trong mùa tuyển sinh trước” - ông Nhạ cho biết.

Đáng lưu ý, trước những dấu hiệu cho thấy một số trường nhận biết được khó khăn, yếu kém của mình nên chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh, giải quyết khó khăn trước mắt của nhà trường, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm 2 năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn ngành. “Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các trường cố tình vi phạm quy định về tuyển sinh, thậm chí dừng tuyển sinh” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
         
Trong số 925.964 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018, có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Tổng số nguyện vọng của thí sinh là 2,75 triệu, tăng 7,1% so với năm 2017. Có 381 đơn vị tham gia xét tuyển ĐH, CĐ với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017. Riêng chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm 38% so với năm 2017 với 35.590 chỉ tiêu.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 27+28 ra ngày 10/7/2018
Cùng chuyên mục
Tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2018: Tăng tự chủ, siết chất lượng