Tuyển sinh đại học sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: P.Tuân
Vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Theo Bộ GD&ĐT, trong 5 năm qua (2016-2020), công tác tuyển sinh đại học đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Đặc biệt, năm 2020, dù dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh, khiến các trường phải lùi công tác tuyển sinh và lùi thời gian năm học lại một vài tháng nhưng kỳ tuyển sinh đại học vẫn diễn ra thành công, đạt yêu cầu của đa số các trường.
Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để tuyển sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cả nhà trường trong công tác xét tuyển. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, từ đó trúng tuyển vào đúng ngành và trường mình mong muốn; các trường xét tuyển được thí sinh phù hợp. Phương thức tuyển sinh này đã giúp tiết kiệm chi phí tuyển sinh, giảm thí sinh ảo. Để tiếp tục tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, tuyển sinh đại học sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2021-2025, các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, đồng thời từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như năm 2020, có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và việc triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đại học, sau đó sẽ có Trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi tuyển sinh.
Liên quan đến phương án tuyển sinh đại học trong giai đoạn tới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy đề nghị các trường nếu có thay đổi phương thức tuyển sinh cần phải công bố, thông báo sớm cho thí sinh. Với các trường có tính cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng để chọn lọc thí sinh. Tuy nhiên, các trường nên tổ chức thành các nhóm, tổ chức kỳ thi với kết quả dùng chung để giảm thiểu chi phí và thời gian cho thí sinh. “Tiến tới trong tuyển sinh đại học sẽ thành lập Trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức các kỳ thi riêng trên máy tính, có sự phân hóa thí sinh theo các nhóm trình độ. Điều này đòi hỏi cao hơn do cần ngân hàng câu hỏi lớn, cơ sở vật chất để thi trên máy tính cũng như tạo được sự công bằng, minh bạch” - bà Thủy cho biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giữ vai trò chỉ đạo
Lãnh đạo các trường đại học đánh giá cao chất lượng kỳ thi THPT và cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh trong các năm tới. Tuy nhiên, các trường cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò chỉ đạo kỳ thi và thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc, bảo đảm tính minh bạch, khách quan và tin cậy.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú ủng hộ chủ trương giữ ổn định công tác tuyển sinh trong 5 năm tới, bởi nếu chuyển đổi phải có thời gian chứ không thể thực hiện ngay lập tức. Theo ông Tú, kết quả tuyển sinh năm 2020 cho thấy, ít nhất 50% chỉ tiêu các trường vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh cũng như nhà trường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì lọc ảo, thực tế trong những năm qua công tác này đã giúp tỷ lệ ảo của các trường giảm rất nhiều. Đồng thời, Bộ vẫn nên giữ vai trò “cầm cái” để đảm bảo kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc, qua đó, các trường mới tin tưởng sử dụng kết quả.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội Lê Thị Thu Thủy cho biết, trong năm 2021, Trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển với chỉ tiêu khoảng 50%. Ngoài ra, Trường cũng sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh bằng các phương thức xét tuyển khác. “Trong 3 - 5 năm tới, cần thiết phải thành lập Trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức các kỳ thi. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả khảo thí để thực hiện việc xét tuyển và xét tuyển nhiều đợt trong năm. Tuy nhiên, để từng bước thành lập Trung tâm khảo thí độc lập, cần có những quy định pháp lý liên quan đến việc vận hành và sự chuẩn bị từ phía các trường đại học cũng như các trường THPT và học sinh” - bà Thủy kiến nghị.
Theo chia sẻ của đại diện Trường Đại học Đà Nẵng, trước thực trạng thí sinh trúng tuyển bằng các hình thức xét tuyển riêng nhưng không xác nhận nhập học khiến trường rơi vào thế bị động, Bộ GD&ĐT nên cho phép thí sinh đăng ký các nguyện vọng bằng các hình thức xét tuyển khác nhau trên cùng một phiếu; đồng thời, phần mềm lọc ảo của Bộ nên được cải tiến để không chỉ lọc ảo đối với việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT mà có thể tích hợp lọc ảo tất cả phương thức tuyển sinh nhằm giảm lượng trúng tuyển ảo. Mặt khác, Bộ cũng cần sớm công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2021 và lộ trình cụ thể giai đoạn 2021-2025, nhằm ổn định cách dạy ở trường THPT và để các trường đại học lên phương án, ổn định phương thức tuyển sinh.
LÊ HÒA