Quản lý rủi ro ngân hàng thương mại: Cần phát huy vai trò của kiểm toán nội bộ

(BKTO) - Hiện nay, kiểm toán nội bộ (KTNB) đã trở thành một bộ phận bắt buộc tại ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bộ phận này vẫn gặp phải một số khó khăn trong quản lý rủi ro, nhất là khi công nghệ đang chi phối hoạt động của tất cả các NHTM.




KTNB đã trở thành một bộ phận bắt buộc tại NHTM.Ảnh minh họa

Hoạt động KTNB vẫn chưa đảm bảo độc lập, khách quan và toàn diện

Hiện nay, tại Việt Nam, những thay đổi lớn về thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mở rộng phạm vi và vốn hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài… đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần giữa các ngân hàng. Do áp lực về doanh thu và lợi nhuận, các ngân hàng phải nới lỏng các điều kiện tín dụng, thẩm định trước khi cho vay và quy trình đánh giá. Điều này dẫn đến việc giám sát các khoản vay không được tiến hành cẩn thận, rủi ro ngày càng cao. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng công nghệ của thế giới, các NHTM cũng phải đối mặt với rủi ro liên quan đến an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quản trị dữ liệu và quyền riêng tư, rủi ro của bên thứ ba và tác động của công nghệ đối với đạo đức, văn hóa DN. Đây là những vấn đề mà KTNB cần tập trung trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, theo thống kê của KTNN, hầu hết hoạt động kiểm toán tập trung vào kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ. Kiểm toán hoạt động là một nội dung trọng tâm của KTNB nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tính hiệu quả, chưa phân tích tính hiệu quả của hệ thống.

KTNB chỉ tập trung vào hoạt động tín dụng, huy động vốn, kế toán tài chính. Các lĩnh vực chuyên môn khác như: mua sắm tài sản, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, đầu tư mạo hiểm chưa được quan tâm. Kiểm toán viên (KTV) nội bộ chưa xem xét tính hiệu quả của khuôn khổ quản lý rủi ro và yêu cầu về vốn tối thiểu theo quy định tại Basel II. Đồng thời, chức năng tham mưu chưa phù hợp với các chính sách của hội đồng quản trị (HĐQT).

Về phương pháp, KTV vẫn tập trung vào việc phát hiện các sai sót trong hoạt động và tuân thủ, không thực sự coi mức độ rủi ro như một hướng dẫn và phân tích hiệu quả của các chính sách, chưa đưa ra nhiều khuyến nghị mang tính thực tiễn cao. Vì vậy, bộ phận KTNB chưa thực sự đóng vai trò tham mưu về quản lý rủi ro cho ban quản trị và quản lý cấp cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do nguồn nhân lực của bộ phận KTNB tại ngân hàng chủ yếu được luân chuyển từ nội bộ nên chưa thực sự đảm bảo tính độc lập và tính khách quan của cuộc kiểm toán. Một số nhân sự được tuyển dụng từ bên ngoài ngân hàng, chủ yếu từ các công ty kiểm toán lại thiếu kiến thức thực tế về ngân hàng.

Mặt khác, ở hầu hết các NHTM, bộ phận KTNB được coi là độc lập với ban giám đốc. Thế nhưng, lực lượng này vẫn được tuyển dụng thông qua bộ phận nhân sự và hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng do HĐQT điều hành nên tính độc lập, khách quan của KTV chưa thực sự đảm bảo.

Để bộ phận kiểm toán nội bộ phát huy hiệu quả

KTNB có hai vai trò quan trọng: Một là đánh giá hiệu quả quá trình quản lý rủi ro, đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM hoạt động hiệu quả và các rủi ro chính được quản lý ở mức có thể chấp nhận được. Hai là tư vấn, đề xuất các kiến ​​nghị và giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả của quá trình quản lý rủi ro.

Nguyên tắc hoạt động của KTNB là “định hướng rủi ro”, vì vậy, tất cả các hoạt động, quy trình và bộ phận phải được đánh giá rủi ro theo 3 mức: cao, trung bình, thấp, thang điểm 5 tùy thuộc vào hệ quả và khả năng xảy ra rủi ro. Thời gian và nguồn lực của cuộc kiểm toán ưu tiên cho các hoạt động có rủi ro cao, các quy trình hoặc bộ phận phải được đánh giá ít nhất mỗi năm một lần. Qua đó, KTNB sẽ hỗ trợ ban lãnh đạo và các nhà quản lý, đảm bảo quá trình quản lý rủi ro hiệu quả và những rủi ro chính được kiểm soát ở mức chấp nhận được.

Ở vai trò thứ hai, hoạt động KTNB sẽ xác minh hiệu quả hoạt động và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực của hệ thống kiểm soát. Các KTV nội bộ đưa ra các giải pháp để cải thiện hệ thống kiểm soát, đảm bảo hệ thống quản lý rủi ro vận hành theo đúng quy trình và phù hợp với NHTM. Nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của KTNB, báo cáo và tư vấn sẽ được cung cấp cho cấp quản lý cao nhất là HĐQT, không phải giám đốc hay tổng giám đốc.

Để bộ phận KTNB đáp ứng hai vai trò trên, trước tiên, KTV nội bộ cần tiếp cận vấn đề theo phương pháp định hướng rủi ro, tập trung nguồn lực vào hoạt động với mức độ rủi ro cao. Điều kiện tiên quyết của phương pháp này là đánh giá viên phải hiểu biết sâu sắc về ngân hàng cũng như ban quản lý để thiết lập và hoàn thành hồ sơ rủi ro với thông tin liên quan, bao gồm ước tính về ảnh hưởng của rủi ro và các biện pháp đối phó.

Bộ phận KTNB cần tiếp cận tất cả các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nội dung công nghệ thông tin, đây là xu hướng của thế giới hiện nay. Đồng thời, bộ phận này cần đảm bảo đội ngũ KTV có trình độ, kiến ​​thức, kinh nghiệm, đáp ứng các quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần ban hành bộ tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp cho KTV nội bộ tại các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải cải tiến bộ máy KTNB, đảm bảo số lượng tối thiểu và tính độc lập của bộ phận này.

PHẠM THU VÂN
Đại học Kinh tế Quốc dân
Cùng chuyên mục
  • Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khép lại năm 2020, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
  • Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu top 3 tại SEA Games 31
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong năm 2021 sắp tới, thể thao Việt Nam hướng tới thành công ở hai sự kiện lớn, rất quan trọng là Olympic Tokyo và SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà.
  • Hợp tác với doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Hợp tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với DN là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao. Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021 diễn ra chiều 29/12, tại Hà Nội.
  • Điều chỉnh cơ cấu chi để tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong điều kiện nguồn lực NSNN hạn chế, việc giao quyền tự chủ về tài chính giúp tăng tính chủ động, trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là GDĐH), tạo điều kiện để các trường được chủ động cân đối thu chi là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là cơ cấu chi như hiện nay chưa tạo động lực cho các trường bứt phá.
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Ngày 24/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 tại điểm cầu chính BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 646 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện.
Quản lý rủi ro ngân hàng thương mại: Cần phát huy vai trò của kiểm toán nội bộ