Thực hiện nghiêm quy định bảo quản bài thi, chấm thi
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tuyên Quang, trong đợt thi vừa qua, toàn tỉnh có tổng số 8.708 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó 8.678 thí sinh dự thi, vắng 30 thí sinh); 29 điểm thi; 393 phòng thi.
Báo cáo về công tác chuẩn bị chấm thi, ông Vũ Dương Uyên – Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Tuyên Quang) cho biết:Các khu vực làm phách, chấm thi đảm bảo an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24h/ngày; không có thiết bị thu phát thông tin và hình ảnh; trang bị 1 điện thoại cố định do cán bộ công an quản lý...
Khu vực bảo quản bài thi được bố trí cẩn mật, tuyệt đối an toàn; các thiết bị phòng, chống cháy nổ, có camera đảm bảo bao quát được toàn bộ các hoạt động trong phòng; đảm bảo đủ camera an ninh giám sát, ghi hình mọi hoạt động bên trong phòng 24h/ngày; …
Tại tỉnh Lào Cai, báo cáo Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, toàn tỉnh thành lập 1 Hội đồng thi gồm 20 điểm thi đặt tại các huyện, thị xã, thành phố. Địa điểm tổ chức các Ban chấm thi độc lập, các phòng bảo quản chứa bài thi tự luận và trắc nghiệm đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
Sau thời gian thi, các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khâu chấm thi. Ảnh minh họa: N.Lộc |
Trong đợt thi này, tỉnh đã huy động 141 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ở các khâu. Lực lượng Công an tỉnh đã cử cán bộ tham gia các Ban của Hội đồng thi; bố trí máy áp chế sóng tại khu vực chấm thi, máy kiểm tra thiết bị thu, phát thông tin của cán bộ làm thi trước khi vào khu vực chấm thi; bình chữa cháy tại khu vực làm phách và chấm thi... để đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác tổ chức chấm thi.
Các phòng làm việc của Ban Thư ký, Ban chấm thi trắc nghiệm và Ban chấm thi tự luận đều có thiết bị camera an ninh giám sát và công an trực bảo vệ 24/24 giờ (cán bộ công an bố trí ăn, nghỉ tại chỗ). Các Ban chấm thi làm việc từ ngày 11/7 và thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch công tác của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, xác định công tác chấm thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh đã tổ chức xét nghiệm cho tất cả cán bộ tham gia chấm thi; phun khử khuẩn toàn bộ khu vực chấm thi; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại khu vực chấm thi.
Đối với các bài thi của thí sinh diện F2, Ban Thư ký chủ trì, dưới sự giám sát của các lực lượng thanh tra, công an, y tế đã tổ chức khử khuẩn bằng tia cực tím các bài thi này trước khi chuyển đến các bộ phận khác theo quy trình.
Không để xảy ra sai sót, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Qua kiểm tra thực tế tại phòng chấm thi tự luận, trắc nghiệm, phòng làm phách, trao đổi với tổ trưởng tổ chấm, cán bộ chấm thi... tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận bước đầu Ban chỉ đạo thi các địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao, nghiêm túc, đúng quy chế các khâu chấm thi để đảm bảo khớp nối các khâu của Kỳ thi. Việc tổ chức chấm thi có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ cơ sở vật chất phục vụ chấm thi tới nhân lực tham gia chấm thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý các địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không có tiêu cực trong chấm thi. Ảnh: Đức Trí |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, Kỳ thi được cả xã hội quan tâm, kỳ vọng vì có tính chất quan trọng không chỉ để xét tốt nghiệp sau 12 năm học mà còn dùng xét tuyển vào trường đại học. Do đó, các địa phương cần căn cứ triệt để vào quy chế, hướng dẫn, đảm bảo hạn chế tối đa sai sót. Mặt khác các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm các năm về quá trình chấm thi để làm tốt hơn nữa khâu này.
Đặc biệt, khâu chấm thi cần được thực hiện công bằng, khách quan, trung thực, đảm bảo quyền lợi của thí sinh sau 12 năm học tập. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quán triệt các Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lưu ý với các địa phương trong quá trình kiểm tra, đánh giá công tác chấm thi.
Tham gia Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với các tỉnh Yên Bái và Phú Thọ về công tác chấm thi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Sái Công Hồng lưu ý cán bộ làm công tác chấm thi phải hiểu rõ về đáp án và hướng dẫn chấm thi. Đối với việc chấm thi tự luận yêu cầu đảm bảo chính xác, khách quan, đúng quy trình, lưu ý đến những nội dung có tính mở, bài làm vận dụng sáng tạo, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh. Với những bài thi tự luận có câu trả lời tương đương với đáp án thì vẫn cho điểm số tối đa.
Đối với chấm thi trắc nghiệm, các tổ giám sát yêu cầu tổ chấm thi thực hiện theo đúng quy trình để tránh nhầm lẫn trong các khâu tiếp theo. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ khâu sửa lỗi. Đối với chấm kiểm tra, cần chấm cả những bài điểm cao và điểm thấp để đối chiếu và đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Đây là những địa phương đầu tiên được Bộ GD&ĐT làm việc sau khi kết thúc Kỳ thi đợt 1, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương phải tổ chức quán triệt cho cán bộ tham gia vào các khâu chấm thi, từ đảm bảo an ninh cho đến chấm bài thi phải nắm bắt, hiểu đúng quy định trong chấm thi, từ đó có vận dụng phù hợp, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tính an toàn, công bằng cho Kỳ thi; đảm bảo đánh giá đúng, thực chất về bài thi, về năng lực của thí sinh qua Kỳ thi.
NGUYỄN LỘC