Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 2,23%

(BKTO) – Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,23%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%. Cả nước có 4 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo và cận nghèo.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, tổng số hộ nghèo là 609.049 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%; tổng số hộ cận nghèo là 850.202 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%.

Cả nước có 7 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 10%. Điện Biên cao nhất cả nước với 27,33%, tiếp theo là Hà Giang 18,54%, Cao Bằng 18,36%, Bắc Kạn 17,02%, Kon Tum 15,32%, Sơn La 15,1%, Lai Châu 13,32%.

Theo kết quả rà soát, 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, Bình Dương, Tây Ninh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và Bình Dương là 4 địa phương không có hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Kết quả rà soát trên là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2021.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào kết quả rà soát này để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021 là năm cuối cùng rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Bắt đầu từ năm 2022, việc rà soát hộ nghèo được thực hiện theo chuẩn mới của giai đoạn 2022-2025 dựa trên 2 tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn thu nhập theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ quy định: Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng.

Mức chuẩn nghèo về thu nhập đã tăng gần gấp đôi chuẩn nghèo cũ quy định ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) và các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 2,23%