Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế ước đạt 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu được giao

(BKTO)- Đây là kết quả sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Luật BHYT và xin ý kiến Dự thảo Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức sáng nay (12/12), tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh hội nghị

   

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 05 năm triển khai, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, đã tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, góp phần khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT.

Những quy định trong Luật khi thực hiện đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Thông qua việc thực hiện chính sách, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, về chính sách BHYT ngày càng được nâng lên và thể hiện rõ qua số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng lên qua các năm.

Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị cho biết: Trong 05 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ tham gia BHYT tăng từ 71,3% dân số năm 2014 lên ước 89,8% dân số năm 2019, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7%. Trong đó, giai đoạn từ 2015-2019, nhóm đối tượng tham gia BHYT do người lao động, người sử dụng lao động đóng tăng từ 11,92 triệu người lên 14,1 triệu người;nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng tăng từ 3,08 triệu người lên 3,16 triệu người; nhóm do NSNN đóng tăng từ 32,2 triệu người lên 33,89 triệu người; nhóm được NSNN hỗ trợ đóng là hơn 15 triệu người tăng lên hơn 17 triệu người và nhóm tham gia theo hộ gia đình tăng mạnh, từ 8,3 triệu người lên hơn 17 triệu người.

Để có được sự gia tăng tỷ lệ tham gia BHYT nhanh chóng như vậy là kết quả của các quy định mới, mang tính đột phá của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, như: quy định bắt buộc tham gia; quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng từ người thứ hai trở đi; mở rộng đối tượng do NSNN hỗ trợ; quy định nâng mức hưởng; mở rộng phạm vi quyền lợi; thông tuyến khám, chữa bệnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn mà Luật BHYT mang lại, quá trình thực hiện Luật cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, từ đó làm giảm hiệu quả thực hiện chính sách. Do đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện Luật, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật BHYT, trong đó xác định các nội dung lớn cần sửa đổi, đó là: điều chỉnh quyền lợi BHYT; tăng cường kiểm soát chi phí sử dụng dịch vụ y tế, điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan Bảo hiểm xã hội… Đây chính là những định hướng nội dung sửa đổi trọng tâm được Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến đại biểu tại hội nghị cũng như ý kiến chuyên gia về Dự thảo Luật BHYT sửa đổi trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, với việc Luật BHYT sửa đổi sẽ tạo động lực để thúc đẩy cho quá trình triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống tốt hơn, từ đó sẽ làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe, về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm xã hội của mỗi người dân với cộng đồng.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế ước đạt 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu được giao