Thỏa thuận lịch sử ngành ngân hàng
Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sỹ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3 (giờ địa phương).
Theo đó, UBS sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sỹ (3,25 tỷ USD) và tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỷ USD trong một thỏa thuận được dự đoán sẽ khép lại vào năm 2023.
Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết sẽ thu hẹp dần quy mô mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse. UBS ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 7 tỷ USD chi phí mỗi năm từ nay đến năm 2027.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB, tức ngân hàng trung ương) cho biết thỏa thuận trên bao gồm 100 tỷ franc Thụy Sỹ (108 tỷ USD) hỗ trợ thanh khoản cho cả UBS và Credit Suisse.
Các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu của UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu đang nắm giữ tại Credit Suisse, tương đương với 0,76 franc Thụy Sỹ/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 25% giá trị trong tuần trước và ngân hàng này đã buộc phải sử dụng đến 54 tỷ USD từ SNB trong nỗ lực trấn an dư luận.
Nằm trong thỏa thuận thâu tóm của UBS, Credit Suisse đã giảm lượng trái phiếu cấp 1 bổ sung, với giá trị ước tính 16 tỷ franc Thụy Sỹ, xuống mức 0. Đây là loại trái phiếu được coi là có hạng thấp hơn các loại nợ khác và có thể mất trắng giá trị nếu vốn của nhà phát hành giảm xuống dưới một mức đã được định trước.
Thỏa thuận mua lại Credit Suisse nói trên của UBS đã nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế, như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Ngân hàng trung ương Anh (BoE).
Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ 2 của Thụy Sỹ đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Giá trị thị trường của ngân hàng này đã bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng "domino" sau sự sụp đổ của SVB và SB, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra "những điểm yếu quan trọng" trong kiểm soát nội bộ.
Các ngân hàng trung ương tìm cách tăng thanh khoản toàn cầu
Chỉ sau vài giờ khi Thụy Sĩ làm trung gian cho việc UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, tiếp quản Credit Suisse, FED và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ ngày 19/3 đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng, qua đó xoa dịu những lo lắng đang gây xáo trộn hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Trong một tuyên bố chung, các ngân hàng trung ương trên cho biết để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các thể chế tài chính hiện đang cung cấp các hoạt động bằng đồng tiền này đã nhất trí sẽ thực hiện hoạt động đáo hạn 7 ngày trên cơ sở hằng ngày thay vì hằng tuần như hiện nay. Tuyên bố nhấn mạnh, biện pháp này sẽ giúp các ngân hàng trung ương ngoài Mỹ tiếp cận nhiều hơn với USD.
Hoán đổi tiền tệ là khuôn khổ thỏa thuận giữa các ngân hàng trung ương với mục đích trao đổi tiền tệ. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có được các khoản ngoại tệ để phân phối cho giao dịch các ngân hàng thương mại trong nước từ các ngân hàng nước ngoài. Các thỏa thuận này đi đến một mục đích cuối cùng là một công cụ điều chỉnh tiền tệ lưu thông trong nước và quốc tế.
Năm 2020, FED đã cung cấp và sau đó mở rộng cơ chế hoán đổi tương tự khi đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt toàn cầu.