Chiến dịch "ResiliArt - Nghệ thuật kiên cường" - Ảnh: UNESCO |
Theo UNESCO, giữa khủng hoảng đại dịch toàn cầu Covid-19, hàng tỷ người trên thế giới đã tìm tới văn hóa như nguồn cội của sự an ủi và kết nối. Song, dịch bệnh này không vì thế mà bỏ qua những tổn thương lớn tới ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Hơn 80% di sản thế giới được UNESCO công nhận phải trì hoãn nhiều sự kiện và đóng cửa, gây tổn thất tới chuỗi hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Các tổ chức và cơ sở văn hóa, gồm bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim đang mất doanh thu mỗi ngày, và nhiều nhân viên đã buộc phải nghỉ việc bởi tình hình dịch bệnh. Ngành công nghiệp văn hóa đang trải qua những ngày khủng hoảng của đại dịch.
Tuy vậy, giữa lưng chừng khủng hoảng, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến chúng ta thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho con người sự mạnh mẽ và can đảm. Chúng ta hoàn toàn có thể tự do thể hiện bản thân và duy trì kết nối với xã hội, kể cả khi xung quanh ta chỉ là bốn bức tường nhà.
Đây là những lý do khiến UNESCO phát động chiến dịch "Nghệ thuật kiên cường", kêu gọi các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tham gia.
"ResiliArt – Nghệ thuật kiên cường" giúp sáng tỏ tình trạng của các ngành công nghiệp sáng tạo hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng. Chiến dịch giúp nâng cao nhận thức về tác động sâu rộng của Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ tìm kiếm giải pháp trong và sau khủng hoảng.
Ngay sau khi chiến dịch được khởi động, đã có nhiều nghệ sĩ tham gia chia sẻ với công chúng về sáng tác mới của mình, những hoạt động nghệ thuật trong thời gian thực hiện cách ly xã hội với thông điệp: Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường. Khủng hoảng dịch bệnh hiện tại chính là thời điểm để nghệ thuật thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững, cũng như khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có.
Theo dangcongsan.vn