Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán: Biến thách thức thành cơ hội phát triển

(BKTO) - Bên cạnh những cơ hội thuận lợi, việc ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán vẫn đang đứng trước những thách thức đòi hỏi Kiểm toán nhà nước (KTNN) phải có các giải pháp mang tính chiến lược - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán.

anh-1.jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang (thứ nhất từ trái sang) tham gia chủ trì Hội nghị Nhóm công tác về dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Ảnh: Xuân Hồng

Thưa ông! Dữ liệu lớn (Big Data) là thuật ngữ không còn xa lạ trong thời đại công nghệ 4.0. Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam cũng như qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ông đánh giá như thế nào về vai trò của dữ liệu lớn đối với hoạt động kiểm toán?

Với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là việc ứng dụng dữ liệu lớn tại các các đơn vị được kiểm toán, KTNN cũng phải ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán, đây là xu thế tất yếu. Khi ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán, vai trò của KTNN được thể hiện ở 4 điểm sau:

Thứ nhất, việc ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả kiểm toán. Điều này thể hiện ở việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau một cách toàn diện, không giống như với phương pháp kiểm toán thông thường khác.

Thứ hai, khi ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán, các kiểm toán viên có thể phát hiện nhanh các rủi ro một cách chính xác. Chẳng hạn như sử dụng các thuật toán để đưa ra các câu hỏi, phát hiện các bất thường, gian lận, sai sót mà việc sử dụng phương pháp kiểm toán truyền thống không thể làm được.

Thứ ba, khi ứng dụng dữ liệu lớn, KTNN có thể là nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán bằng việc đưa ra các phân tích về xu hướng và dự đoán.

Thứ tư, khi phân tích dữ liệu lớn, KTNN có thể tối ưu hóa một số quy trình, thủ tục kiểm toán để giảm thiểu sai sót trong quá trình kiểm toán.

hoi-nghi.jpg
Hội nghị Nhóm công tác về dữ liệu lớn INTOSAI thu hút sự quan tâm của các SAI. Ảnh: Xuân Hồng

Các tham luận tại Hội nghị lần thứ Tám Nhóm công tác về dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao cho thấy, bên cạnh những bài học thành công, KTNN các nước, trong đó có KTNN Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức trong việc ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán. Vậy đâu là những thách thức mà KTNN Việt Nam đang phải đối mặt thưa ông?

Trước hết, phải nói rằng thời gian qua, KTNN Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và dữ liệu lớn nói riêng trong hoạt động kiểm toán. KTNN cũng đã ứng dụng dữ liệu lớn vào một số hoạt động kiểm toán, một số cuộc kiểm toán, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Điều đó khẳng định đây là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc ứng dụng dữ liệu lớn cũng gặp một số khó khăn, thách thức làm hạn chế hiệu quả hoạt động kiểm toán.

anh-3(1).jpg
Ảnh: Xuân Hồng

Thách thức trước hết trong ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán là làm sao có được các dữ liệu đủ tiêu chuẩn đầy đủ, “sống”, “sạch”, đảm bảo việc sử dụng được kịp thời và có tính chất thời sự.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang

Thách thức trước hết là làm sao để KTNN có được dữ liệu lớn. Dữ liệu ở đây gần như là tài nguyên của kiểm toán. Đặc biệt là các dữ liệu có đủ tiêu chuẩn đầy đủ, “sống”, “sạch”, đảm bảo việc sử dụng được kịp thời và có tính chất thời sự.

Thách thức thứ hai là KTNN hiện nay thiếu nguồn nhân lực vừa có kiến thức về công nghệ dữ liệu vừa có kiến thức về kiểm toán… Nguồn nhân lực này có thể nói là đang rất khan hiếm.

Thách thức thứ ba là hệ thống hạ tầng công nghệ kỹ thuật. Mặc dù hạ tầng này cũng đã được đầu tư quan tâm gần đây nhưng trong tương lai, nhu cầu về dữ liệu có thể ngày càng lớn hơn sẽ dẫn đến thiếu thốn về hạ tầng công nghệ kỹ thuật.

Một thách thức nữa liên quan đến những thay đổi về quy trình kiểm toán và nhận thức của kiểm toán viên. Khi kiểm toán trên môi trường dữ liệu lớn, cách thức tiếp cận sẽ thay đổi và rào cản ở đây là có thể một số kiểm toán viên có tâm lý ngại thay đổi. Tôi cho rằng, đó là một số thách thức lớn mà KTNN phải đối mặt khi ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán.

Vậy theo ông, KTNN cần làm gì để biến thách thức thành cơ hội cũng như ứng dụng dữ liệu lớn một cách toàn diện, bài bản, khả thi nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực trong bối cảnh mới?

Như tôi vừa trao đổi thì việc ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán là một xu hướng tất yếu đối với các cơ quan kiểm toán tối cao nói chung và KTNN Việt Nam nó riêng để thực hiện hoạt động kiểm toán trong môi trường số, khi mà các đơn vị được kiểm toán đã số hóa, áp dụng công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Theo tôi, để ứng dụng dữ liệu lớn một cách có hiệu quả và toàn diện trong hoạt động kiểm toán của mình, KTNN có thể thực hiện một số nhiệm vụ mang tính chiến lược sau:

Một là về cơ chế chính sách: KTNN cần xây dựng chiến lược bài bản, dài hạn nhằm ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và chuyển đổi số, dữ liệu lớn nói riêng vào hoạt động kiểm toán. Chiến lược ở đây phải có tính dài hạn và bước đi, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng.

Hai là xuất phát từ các thách thức nêu trên thì cần phải có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia về chuyển đổi số, dữ liệu lớn và lâu dài nữa là trí tuệ nhân tạo; am hiểu về công nghệ, dữ liệu và hoạt động kiểm toán.

anh-2.jpg
Ban Điều hành Hội nghị Nhóm công tác về dữ liệu lớn của INTOSAI. Ảnh: Xuân Hồng

Ba là KTNN cũng cần đầu tư mạnh mẽ và phù hợp vào hạ tầng công nghệ thông tin, chẳng hạn các trung tâm dữ liệu, các hệ thống phần mềm, các công cụ. Tiếp theo, cần xây dựng một hệ thống an ninh bảo mật thông tin. Bởi vì dữ liệu lớn có nhiều thông tin rất nhạy cảm mà có thể bị rò rỉ và khi kiểm toán viên thực hiện trên môi trường đó, cũng cần có những hệ thống để đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật.

Bốn là KTNN cũng cần hợp tác với một số các tổ chức công nghệ, các học viện và các nhà trường có kinh nghiệm, họ có cập nhật những cái công nghệ mới nhất về dữ liệu lớn cũng như trí tuệ nhân tạo để khi cần, KTNN sẽ có được những giải pháp từ bên ngoài.

Vấn đề cuối cùng theo tôi là phải thay đổi văn hóa làm việc, thay đổi tư duy làm việc trên môi trường số, chuyển đổi từ phương thức làm việc truyền thống sang phương thức làm việc trên môi trường số.

Với những giải pháp và nhiệm vụ cơ bản như vậy thì theo tôi là trong tương lai., KTNN có thể áp dụng một cách bài bản và có những bước đi cụ thể để nâng cao được hiệu quả, chất lượng kiểm toán trong môi trường số và dựa trên dựa trên dữ liệu lớn./.

Cùng chuyên mục
Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán: Biến thách thức thành cơ hội phát triển