Chính sách triệt tiêu nguồn sinh lợi từ đô la mang thành công trong điều hành tỷ giá song vì đó người dân lại tập trung vào đô la.Ảnh: TK
Găm giữ ngoại tệ và rủi ro thanh khoản
Báo cáo của NFSC chỉ rõ: Năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% trong khi tín dụng tăng trên 19% đã tạo ra độ chênh giữa nguồn huy động trung dài hạn và ngắn hạn. Đáng lưu ý, tín dụng ngoại tệ giảm 12,9% trong khi huy động ngoại tệ tăng tới 14,3% (năm 2014 chỉ tăng 4,7%). Huy động ngoại tệ tăng đột biến vào những tháng cuối năm 2015, cùng thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa lãi suất huy động ngoại tệ về mức 0%. Điều này cho thấy xu hướng găm giữ ngoại tệ vẫn diễn ra. Câu hỏi đặt ra: Tại sao lãi suất tiền gửi USD đã về mức 0% nhưng người dân vẫn muốn găm giữ ngoại tệ? TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch NFSC nhận định: Lý do duy nhất là người dân trông chờ tỷ giá tăng cao hơn. Rõ ràng, chống đô la hóa bằng cách triệt tiêu vào nguồn sinh lợi từ đô la nhưng nhờ đó mà người dân lại tập trung vào đô la. Chính sách này mang đến thành công trong điều hành tỷ giá song lại khiến tỷ lệ đô la hóa tăng lên.
Thêm cơ sở để khẳng định hiện tượng trên vẫn đang tồn tại, đó là: “Cán cân thanh toán tổng thể mà NHNN công bố năm 2015 bị thâm hụt. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng mua thêm dự trữ ngoại hối là không có. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối đến cuối năm ngoái giảm mạnh khiến áp lực tỷ giá tăng cao, hiện tượng găm giữ ngoại tệ trong dân tăng lên” - nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy phân tích.
Bên cạnh xu hướng găm giữ ngoại tệ, hệ thống ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Cụ thể, theo báo cáo của NSFC, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,4% tổng tín dụng, trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm 10%; tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay đầu tư dài hạn lên tới 31,8% ( năm 2014 là 20,2%); lãi suất huy động tăng từ cuối năm đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Như vậy, áp lực thanh khoản và hiện tượng găm giữ ngoại tệ là những thách thức trong hoạt động ngân hàng cần được nhà điều hành quan tâm, giải quyết trong thời gian tới.
Nguy cơ nợ xấu phát sinh và quy mô lãi dự thu lớn
Cùng với việc đề phòng rủi ro thanh khoản, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, báo cáo của NSFC còn khuyến nghị: Để không gây ra áp lực tài chính cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng cần tiếp tục đẩy nhanh xử lý khối nợ xấu (243 nghìn tỷ đồng) mà Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua về.
Trong khi xử lý khối nợ xấu mà VAMC đã mua về còn nhiều vướng mắc thì nguy cơ nợ xấu phát sinh lại tăng lên. Theo Phó Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước, năm 2015, tổng số nợ xấu xử lý được là 180 nghìn tỷ đồng nhưng số phát sinh mới tăng thêm 45 nghìn tỷ đồng. Lý do khiến nợ xấu có thể tái phát sinh trong tương lai đó là bởi tín dụng gia tăng trong cơ cấu tài sản có và việc tín dụng tăng nhanh sẽ tạo nguồn thu chủ yếu cho hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, các ngân hàng phải coi chừng nợ xấu tái phát sinh.
Một vấn đề khác đáng lưu tâm trong hoạt động ngân hàng chính là quy mô lãi dự thu lớn, không đồng đều ở nhóm ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu. Báo cáo của NFSC cho biết, chỉ riêng lãi dự thu của 5 ngân hàng tái cơ cấu vừa qua (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đại Chúng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân) đã là 38.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014 và chiếm 33,9% lãi dự thu toàn hệ thống. Từ thực tế này, các chuyên gia của NFSC khuyến nghị cần có chính sách xử lý vấn đề lãi dự thu phù hợp đối với từng ngân hàng.
Không chỉ tập trung ở những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright còn phát hiện lãi dự thu tồn tại ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên. Một số ngân hàng hiện đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Do đó, TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng đã cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều vấn đề khác trong hoạt động ngân hàng cần được lưu tâm, đó là: tín dụng đầu tư vào bất động sản tăng nhanh (tăng 28,3% năm 2015); áp lực điều hành tỷ giá, lãi suất trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biễn phức tạp… Tất cả đòi hỏi nhà điều hành phải có những quyết sách kịp thời, phù hợp để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo dựng niềm tin cho sự ổn định và phát triển của hệ thống ngân hàng.
NGỌC MAI