Ứng phó sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại

(BKTO) - TS.VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế



Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế lớn với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu lên tới 150-160% GDP và vốn FDI chiếm tới gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực FDI với khoảng 1 vạn DN đang sử dụng hơn 3,5 triệu lao động, đóng góp gần 1/5 GDP hằng năm, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 70% sản lượng ngành công nghiệp chế biến chế tạo…

Ngoài ra, hằng năm Việt Nam thu hút khoảng 7 triệu khách du lịch quốc tế, hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán với tổng vốn đầu tư gián tiếp hàng chục tỷ USD, hàng tỷ USD vốn ODA và trên dưới 10 tỷ USD kiều hối... Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư với gần 200 quốc gia trên thế giới, là thành viên của hầu hết các định chế kinh tế quốc tế như WB, IMF, WTO, ADB, ASEAN… và đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Chính vì vậy, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ tác động rất mạnh đến Việt Nam theo hướng tiêu cực. Do đó, Việt Nam cần hết sức quan tâm theo dõi sát sao, đánh giá chính xác và dự báo diễn biến xu thế của chủ nghĩa bảo hộ để kịp thời có những phương án ứng phó, đối sách thích hợp nhằm tránh bị động, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tận dung cơ hội do trào lưu này mang lại. Nổi bật là các tác động và khuyến nghị sau:

Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu vào các thị trường quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU có thể gặp khó khăn không chỉ từ các rào cản kỹ thuật mà còn có thể từ hàng rào thuế quan mới sẽ được dựng lên và các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước khác sẽ được áp dụng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và việc làm tại các nước phát triển.

Do đó, một mặt Việt Nam cần chủ động và kịp thời cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, đặc biệt là những thị trường đang có độ bất định cao do tác động của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời cũng là những thị trường mà Việt Nam hiện đang có mức thặng dư thương mại tương đối lớn - một cái cớ để hàng hóa của Việt Nam có thể trở thành đối tượng đầu tiên của các biện pháp bảo hộ thương mại.

Mặt khác, Việt Nam cần có chiến lược cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu vào các thị trường đã, đang và sẽ chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ theo hướng xuất khẩu những hàng hóa dịch vụ có tính chất bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp với các hàng hóa dịch vụ của các nước đang và sẽ chi phối bởi chủ nghĩa bảo hộ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường trong nước để cân đối với sự sụt giảm trong xuất khẩu, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất trong nước để tăng khả năng cạnh tranh, giảm bớt nhập khẩu, đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng cho hàng sản xuất phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu để chủ động tránh những vụ kiện về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong tương lai.

Thứ hai, đầu tư nước ngoài có thể giảm sút do các chính sách theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ kéo các nguồn vốn quay trở về các nước phát triển. Vì vậy, một mặt Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác, cần có chiến lược chủ động khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong nước để thay thế nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị sụt giảm dưới tác động của chủ nghĩa bảo hộ.

Ngoài ra, sự thay đổi chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ thu hút bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc nhằm mục tiêu tăng năng lực sản xuất quốc gia, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, hạn chế các dự án FDI tác động tiêu cực tới môi trường hay sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, hay tận dụng lao động giá rẻ trình độ thấp và ít tạo ra giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp…

Thứ ba, sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực của các DN Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí bị gián đoạn hay loại khỏi chuỗi. Vì vậy, Việt Nam cần một mặt nâng cao khả năng của các DN trong nước nhằm khẳng định vị trí không thể thay thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu, mặt khác cần tích cực tham gia thiết lập các chuỗi giá trị toàn cầu mới, đồng thời có chiến lược cải thiện vị thế của các DN Việt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, cả chuỗi hiện hữu lẫn chuỗi mới tạo ra. Chính sách phát triển DN của Chính phủ và trình độ quản trị, quản lý DN sẽ quyết định thành công trong chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và liên kết giữa các DN với nhau.
Cùng chuyên mục
Ứng phó sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại