Quang cảnh Hội thảo |
Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2017, năm 2015, NCD là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Đặc biệt, tác động của nhóm NCD trên nhóm người trẻ cao hơn tại các nước có thu nhập thấp và trung bình so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn.
Các nước đang phát triển bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi đang nỗ lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét thì đồng thời phải đối mặt với sự gia tăng ở mức báo động các NCD như tim mạch, ung thư, tâm thần và đái tháo đường.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay bên cạnh bệnh truyền nhiễm vẫn là vấn đề thách thức, thì các NCD đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng các NCD, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.
Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có tới gần 8 ca tử vong do NCD. Đặc biệt, trong số gần 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay, có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Trong tổng số hơn 3 triệu người đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc.
TS. Lại Đức Trường- Văn phòng Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các yếu tố nguy cơ của NCD ở Việt Nam rất cao như: tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá; tỷ lệ sử dụng muối, đường cao hơn so với khuyến cáo của WHO…Trong khi đó, năng lực bác sỹ ở tuyến xã chưa tốt, kỹ năng lâm sàng hạn chế; hệ thống y tế còn manh mún trong quản lý NCD; các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện bị tách bạch, chưa hỗ trợ được các trạm y tế xã trong việc phòng ngừa các NCD... Công tác phòng, chống NCD tại Việt Nam vẫn còn đang tập trung nhiều vào điều trị ca bệnh, chưa có nhiều đầu tư cho hoạt động dự phòng yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng.
Kiểm soát bệnh không lây nhiễm từ chế độ ăn uống
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống là nguyên nhân của hơn 19% tổng số ca tử vong toàn cầu năm 2017 và gần 70% các ca tử vong do bênh động mạch vành.
Thực tế cho thấy, NCD liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi hơn, gây ra gáng nặng kinh tế lâu dài cho xã hội. Đây là những tác động trực tiếp bởi các hoạt động kiểm soát bệnh tật trước mắt và lâu dài, đồng thời cũng là những tác động gián tiếp khi nguồn năng lực bị suy giảm bởi gánh nặng của NCD.
Theo GS. Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ dinh dịch Tễ Trung ương, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý. Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không quá muộn để suy nghĩ nghiêm túc và hành động nhanh chóng để cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.
Hội thảo lần này là diễn đàn trao đổi về những kinh nghiệm ứng phó với những thách thức trong cải thiện môi trường thực phẩm thông qua nghiên cứu/can thiệp và tác động của chính sách của mỗi quốc gia. Ngoài ra, các đại biểu tham gia sẽ cùng làm việc để phát triển và hoàn thiện các đề xuất nghiên cứu đa quốc gia nhằm cải thiện môi trường thực phẩm.
Ông Greg Hallen- Trưởng Chương trình thực phẩm, Môi trường và Sức khỏe (Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế- IDRC) chia sẻ, có rất nhiều thay đổi trong môi trường thực phẩm giữa những thế hệ gần đây và dường như chúng ta đã bỏ qua việc tìm hiểu lý do và những tác động của những thay đổi này lên sức khỏe phụ nữ, đàn ông, trẻ trai và trẻ gái. Thông qua hỗ trợ của những nhà nghiên cứu từ các ngành khác nhau và qua chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, chúng ta có thể điều chỉnh môi trường thực phẩm để đem lại chế độ ăn lành mạnh và phù hợp hơn cho mọi người.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát NCD, nâng cao sức khoẻ người dân. Việt Nam đang nỗ lực và quan tâm đầu tư cho lĩnh vực phòng, chống NCD theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi liên tục, suốt đời bệnh nhân mắc các NCD.
Bài và ảnh: Đ. KHOA