Ứng phó với Covid-19: Cần kịch bản chủ động cho thị trường chứng khoán

(BKTO) - Thị trường chứng khoán thế giới những ngày gần đây liên tục “đỏ lửa” bởi Covid-19. Tại Việt Nam, tuần qua, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 14,55% về mức 761,78 điểm, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán trong nước “bốc hơi” 26,3 tỷ USD. Theo khuyến nghị của các thành viên thị trường, bên cạnh các giải pháp trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần xây dựng kịch bản chủ động để ứng phó với đại dịch.




Thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục “đỏ lửa” bởi Covid-19. Ảnh tư liệu

Kiến nghị gia tăng thanh khoản thị trường, giảm áp lực cho nhà đầu tư

Vừa qua, lần đầu tiên, UBCKNN tổ chức họp trực tuyến kết nối hai đầu cầu Hà Nội và TP. HCM với sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, lãnh đạo công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, giúp thị trường vượt qua đại dịch Covid-19.

Theo Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI Bùi Thế Tân, cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp để gia tăng thanh khoản cho thị trường. Trước mắt là việc có thể nghiên cứu áp dụng margin (giao dịch ký quỹ) cho một số cổ phiếu tốt, đủ tiêu chuẩn trên UPCoM để tăng thanh khoản và thu hút thêm dòng tiền của nhà đầu tư vào thị trường.

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB Trần Hải Hà cho rằng, bên cạnh một số vấn đề liên quan tới phí, cần gia hạn thêm thời gian hợp đồng margin để giảm áp lực cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường biến động lớn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt Nguyễn Quang Bảo cũng cho hay, cơ quan quản lý cần có chính sách và quy trình rõ ràng hơn để nhà đầu tư ngoại dễ dàng đầu tư vào các mã đang hết "room" trên thị trường…

Lãnh đạo các quỹ đầu tư Eastpring Investments, VinaCapital mong muốn nhà quản lý cho phép thực thi các giải pháp kết nối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và khách hàng để xử lý mọi giao dịch qua nền tảng công nghệ, đảm bảo sự vận hành bình thường của dòng tiền ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến việc phải cách ly để đảm bảo an toàn.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng đã có Công văn kiến nghị Bộ Tài chính về 12 giải pháp cần làm thời dịch Covid-19, trong đó, kiến nghị giảm phí, thuế, thủ tục hành chính, sửa nhiều quy định pháp lý đang gây vướng mắc trên thị trường.

Sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ, thúc đẩy giao dịch điện tử và hỗ trợ thanh khoản

Trước các kiến nghị trên, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho DN hoạt động trong ngành chứng khoán và nhà đầu tư, trong đó có việc cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng quy định về giao dịch ký quỹ áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Liên quan đến giải pháp giữ an toàn cho nhân viên và khách hàng trong giao dịch, ông Sơn cho hay, UBCKNN ủng hộ đề xuất giao dịch trên nền tảng số và thực thi các xác nhận ủy thác, giao dịch qua chữ ký điện tử. Việc này sẽ được UBCKNN cụ thể hóa khi xây dựng thông tư mới hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường.

Để hỗ trợ các DN đại chúng tổ chức đại hội an toàn, UBCKNN thúc đẩy VSD thông tin mạnh mẽ về giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hình thức trực tuyến. Đây là cách mà nhiều thị trường chứng khoán phát triển đã áp dụng. UBCKNN cũng đốc thúc VSD xem xét lại biểu phí trên thị trường phái sinh, nhất là khoản phí với hợp đồng tương lai để hỗ trợ thanh khoản cũng như bình ổn tâm lý nhà đầu tư.

Trao đổi với báo giới ngày 17/3, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ giảm giá một số dịch vụ chứng khoán theo đề xuất của UBCKNN. Trước mắt, cơ quan quản lý sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh tại VSD về mức hợp lý. Các loại giá dịch vụ khác, UBCKNN sẽ tiếp tục xem xét và xin ý kiến Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện khi cần thiết.
Đặc biệt, Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh, để hỗ trợ kịp thời cho thị trường và nhà đầu tư, việc soạn thảo và ban hành Thông tư sửa đổi về giảm giá dịch vụ chứng khoán lần này sẽ thực hiện theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, Thông tư sẽ sớm được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ông Dũng cũng khẳng định, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành thị trường theo quan điểm “tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”. UBCKNN và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường theo dõi, giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Cùng với đó, thời gian tới, để chủ động điều hành thị trường chứng khoán, UBCKNN tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra theo kế hoạch, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, xây dựng kịch bản chủ động tổ chức giao dịch toàn thị trường theo hướng gia tăng về mức độ giao dịch và giám sát giao dịch trực tuyến trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.

Chủ tịch UBCKNN mong các DN, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư vững tin vào nội lực của nền kinh tế, các giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là yếu tố góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Ứng phó với Covid-19: Cần kịch bản chủ động cho thị trường chứng khoán