Ứng phó với dịch bệnh nCoV: Nỗ lực trên mọi “mặt trận”

(BKTO) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh gia tăng mạnh, nguy cơ lan nhanh ra nhiều nước và Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn. Để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh này.




Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh từ vùng có dịch. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”

Theo thông tin cập nhật từ Hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 6h00 ngày 05/02, thế giới đã ghi nhận 23.865 trường hợp mắc nCoV (23.649 trường hợp mắc tại Trung Quốc), trong đó có 492 trường hợp tử vong (lục địa Trung Quốc là 490 người). 27 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc ghi nhận trường hợp mắc. Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp mắc nCoV, trong đó đã có 3 trường hợp được điều trị khỏi và đã được xuất viện.

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát dịch nCoV ở nước ta, ngay sau khi xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Ngày 01/02, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg “Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam”…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã chủ động, có nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã thành lập 25 đội cơ động phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến quân đội T.Ư trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại tất cả cửa khẩu biên giới, dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc; tăng cường việc giám sát công dân, lao động Trung Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam về quê ăn Tết nay trở lại Việt Nam, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh…

Trước diễn biến xấu của dịch bệnh, nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư dừng tất cả các lễ hội tại các tỉnh đã công bố dịch; công tác chuẩn bị trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng được triển khai quyết liệt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhiều cơ sở lợi dụng tình hình dịch găm hàng, tăng giá bán trang thiết bị phòng dịch đã bị xử lý nghiêm.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, các Bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng; phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như "chống giặc", kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh nCoV, kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm “4 tại chỗ”, không để lan rộng.

Giảm thiểu tác động của dịch bệnh

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV, để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh này, về quy định chúng ta đã có đủ, ngành y tế cũng cam kết triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các địa phương về kỹ thuật, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị… do đó, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tổ chức thực hiện.

Theo đó, đối với cơ quan chức năng thì biện pháp quan trọng nhất lúc này là phải kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh từ vùng có dịch; tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch theo phương châm 4 tại chỗ; những người nghi nhiễm phải được cách ly tuyệt đối và triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm ngăn chặn không cho dịch bệnh lan ra ngoài cộng đồng, dễ dẫn tới mất kiểm soát. Đối với mỗi người dân, biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng, chống dịch bệnh lúc này là cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập, tiếp xúc những nơi đông người,… để tự bảo vệ mình.

Chiều 04/02, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và người dân tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang, từ tuyên truyền đến cách làm; tiếp tục chủ động ứng phó trên tất cả các mặt trận, từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kể cả kinh tế, xã hội. Trong đó, Bộ Y tế cần rà soát lại kịch bản, phương án ứng phó đã được giao, nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân; đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế Việt Nam; tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng chủ động tái cơ cấu một số ngành, lĩnh vực. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan cần có biện pháp tính toán ứng phó kịp thời.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Đoàn kết, vượt khó - bài học “nằm lòng”!
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đoàn kết, vượt khó - đó là yêu cầu mà Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đặt ra đối với toàn Đảng bộ KTNN tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 vừa qua. Tinh thần ấy cũng đã được nhấn mạnh trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của nhiều đơn vị trực thuộc KTNN.
  • Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp tích cực, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công tác
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ 3 yếu tố giúp thu NSNN năm 2019 vượt dự toán, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, công tác điều hành tài chính - ngân sách vẫn còn nhiều điều khiến Bộ trưởng trăn trở.
  • Tháng đầu năm thu ngân sách của ngành Hải quan giảm 25%
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số thu NSNN tháng 1/2020 của toàn ngành Hải quan đạt 25.446 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán (338.000 tỷ đồng) và giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2019 (32.500 tỷ đồng).
  • Nuôi cấy, phân lập thành công virus nCoV có ý nghĩa như thế nào?
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho công tác xét nghiệm những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV thông qua các mẫu thử. Qua đó, mỗi ngày Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
  • Cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng DVCQG
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông).
Ứng phó với dịch bệnh nCoV: Nỗ lực trên mọi “mặt trận”