Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp tích cực, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công tác

(BKTO) - Trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ 3 yếu tố giúp thu NSNN năm 2019 vượt dự toán, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, công tác điều hành tài chính - ngân sách vẫn còn nhiều điều khiến Bộ trưởng trăn trở.



♦ Thưa Bộ trưởng, vài năm gần đây, thu NSNN đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2019, thu NSNN hoàn thành sớm và vượt 5% so với dự toán. Xin Bộ trưởng cho biết những yếu tố nào đã giúp nước ta có được thành tích này?

         

   Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
- Năm 2019, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đến hết ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt hơn 1,54 triệu tỷ đồng, vượt xấp xỉ 9,8% (138.200 tỷ đồng) so với dự toán, cao hơn mục tiêu phấn đấu (vượt 5%) và là năm thứ 4 liên tiếp hoàn thành vượt dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương đều thu vượt dự toán...

Kết quả đạt được trên là nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là sự tăng trưởng ở mức cao, bền vững của nền kinh tế, tạo nền móng vững chắc cho thực hiện thu NSNN năm 2019. Yếu tố quan trọng thứ hai là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương; sự đồng thuận, quyết tâm phấn đấu của các Bộ, ngành, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương và sự đóng góp to lớn, trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đối với công tác quản lý thu NSNN. Yếu tố quan trọng nữa là việc tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

♦Bên cạnh những dấu ấn nổi bật, điều gì khiến Bộ trưởng còn băn khoăn trong công tác điều hành tài chính - ngân sách hiện nay?

- Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác điều hành tài chính - NSNN năm 2019 vẫn còn hạn chế cần khắc phục.

Đối với thu ngân sách, chúng ta không được chủ quan mà cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu, chống thất thu, chống nợ đọng và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN; phấn đấu cải thiện thứ hạng nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên bảng xếp hạng thế giới (hiện đang là 109/190 quốc gia).

Đối với chi ngân sách, phải kiên quyết điều hành chi ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội, HĐND thông qua. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục tình trạng triển khai và giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN chậm. Đây là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu NSNN ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, thực tiễn năm 2019 cho thấy, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN chuyển biến rất chậm do một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa; nhiều sai phạm còn xảy ra trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm ở nhiều ngành, nhiều cấp; một số cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ còn có tình trạng chi tiêu sai chế độ, vượt định mức, thất thoát, lãng phí...

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, đề ra giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên cả trong dài hạn và cho năm 2020.

♦Bộ Tài chính và KTNN có mối quan hệ phối hợp công tác từ nhiều năm nay. Xin Bộ trưởng đưa ra một vài đánh giá về sự phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua, đặc biệt là trong việc xây dựng, sửa đổi Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN?

- Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính, cơ quan thuế và KTNN đã được thực hiện tích cực và hiệu quả.

Cụ thể, nếu kế hoạch của KTNN, Thanh tra Chính phủ trùng lặp với kế hoạch của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thì các đơn vị thuộc Bộ thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên kế hoạch của cơ quan cấp trên (Thanh tra Chính phủ, KTNN...), điều chỉnh kế hoạch và lựa chọn bổ sung.

Các kiến nghị của KTNN liên quan đến thu NSNN đều được cơ quan thuế, cơ quan hải quan chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc người nộp thuế nộp vào NSNN và có đối chiếu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Trong quá trình kiểm toán ngân sách tại các địa phương hoặc tại cơ quan thuế, KTNN có kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của DN tại cơ quan thuế. Đối với các DN có nghi vấn hoặc có rủi ro, KTNN đã thông qua cơ quan thuế yêu cầu DN làm việc tại cơ quan thuế để cung cấp tài liệu, đối chiếu và giải trình. Các DN được KTNN yêu cầu cung cấp tài liệu và giải trình thường là các DN có rủi ro, thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được cơ quan thuế lựa chọn nên việc phối hợp với KTNN yêu cầu DN đối chiếu, giải trình cũng là mục tiêu của cơ quan thuế trong việc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế rủi ro.

Cùng với đó, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý thuế và KTNN. Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, cụ thể là việc bổ sung đối tượng kiểm toán; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN...

Trong quá trình sửa đổi và trình ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, Bộ Tài chính cũng đã có quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan KTNN tại Điều 21. Theo đó, KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiến nghị của KTNN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đã được quy định rõ trong trường hợp KTNN kiểm toán trực tiếp người nộp thuế và trường hợp KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế.

Có thể nói, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN được Quốc hội ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và KTNN trong việc thống nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
THÙY ANH (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp tích cực, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công tác