Ước tính đến hết tháng 1 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 93% kế hoạch

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, ước đến ngày 31/1/2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

gn.jpeg
Kết quả, trong 13 tháng qua, có 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%). Ảnh minh họa

Hơn 548.569 tỷ đồng đã được giải ngân

Lũy kế giải ngân từ đầu năm 2024 đến ngày 31/12/2024 là 548.569,3 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch (752.476,4 tỷ đồng), đạt 80,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5.624,32 tỷ đồng, đạt 88,45% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 19.936,9 tỷ đồng, đạt 73,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước giải ngân đến hết ngày 31/1/2025 là 635.579,9 tỷ đồng, đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 6.192,09 tỷ đồng (đạt 97,38% kế hoạch), CTMTQG là 23.321,2 tỷ đồng (đạt 85,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Lũy kế giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 có thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2024 là 38.465,9 tỷ đồng, đạt 66,44% kế hoạch (57.894,9 tỷ đồng).

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, ước giải ngân 13 tháng vốn ngân sách trung ương (NSTW) đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương (NSĐP) giải ngân còn thấp.

Kết quả, trong 13 tháng qua, có 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%).

Một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Quốc hội (97,56%), Bộ Giao thông vận tải (97,21%), Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (97,1%), Đài tiếng nói Việt Nam (96,62%), Bộ Quốc phòng (95,25%); Hải Phòng (99,83%), Sóc Trăng (99,67%), Đồng Tháp (99,4%), Hải Dương (99,4%), Hà Nam (98,28%), Bến Tre (98,13%).

Tuy nhiên, vẫn còn 30 Bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số cơ quan Trung ương giải ngân bằng 0% hoặc giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (10,85%), Ủy ban dân tộc (11,42%), Đại học quốc gia Hà Nội (26,55%), Bộ Y tế (28,36%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (31,76%)…

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% như: Quảng Ngãi (57,41%), Lâm Đồng (60,49%), Kiên Giang (63,27%), Bình Phước (64,16%), Quảng Ninh (64,19%).

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng chỉ giải ngân đạt 72,49%, đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Ngoài ra, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân 13 tháng đạt 97,38% kế hoạch; trong đó, vốn Chương trình phục hồi của Bộ, cơ quan Trung ương quản lý đạt 99,8% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ 100%).

Hiện vẫn còn 8 Bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 8.024,1 tỷ đồng, chiếm 1,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn NSTW là 1.066,8 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 6.957,3 tỷ đồng.

9 dự án quan trọng quốc gia giải ngân thấp hơn bình quân cả nước

Cho biết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án là 70.743,08 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Trong đó, vốn NSTW là 78.489,38 tỷ đồng, đạt 82,4%; vốn NSĐP là 18.502,28 tỷ đồng, đạt 33,2%.

Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân 12 tháng của cả nước (80,32%). Tỷ lệ giải ngân tiếp tục chậm lại trong những tháng cuối năm.

Lý giải cho việc giải ngân chậm này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, các chủ đầu tư đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ.

Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Về nguồn nguyên vật liệu, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai triển khai thủ tục cấp phép để khai thác mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, một số địa phương đã bố trí tối đa các mỏ để cung cấp cho dự án nhưng công suất vẫn chưa đáp ứng kế hoạch.

Về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện còn tỉnh Đồng Nai chậm xác định giá trị giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, do đó đã ảnh hưởng tới tiến độ điều chỉnh chủ trương; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cần triển khai nhiều thủ tục để điều chỉnh chủ trương...

Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo cấp thẩm quyền về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 của các dự án để kịp thời giao kế hoạch vốn kéo dài, tránh làm gián đoạn tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án./.

Cùng chuyên mục
  • Đà Nẵng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8-9%
    7 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8-9% so với năm 2024.
  • Chính sách tiền tệ 2025: Linh hoạt trước mọi biến động
    8 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2025, chính sách tiền tệ (CSTT) với “mục tiêu kép” tiếp tục là bài toán “cân não”, đòi hỏi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một tâm thế chủ động, linh hoạt trước mọi biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, “mục tiêu kép” của CSTT cũng đặt ra những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn đối với hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ với Báo Kiểm toán dịp đầu Xuân.
  • Tạo động lực mới cho tăng trưởng năm 2025
    8 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Tư duy cải cách thể chế, nhất là quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ tạo ra một động lực mới trong nội tại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2025.
  • Đưa cao tốc về đất “chín Rồng”, đánh thức kinh tế vùng sông nước
    8 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Không chỉ giúp mang lại thuận lợi trong giao thông, những cung đường cao tốc còn mang đến cơ hội phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, sự xuất hiện của những cây cầu nối đôi bờ đậm chất nghệ thuật đã trở thành nét chấm phá mới cho vùng đất “chín Rồng”, giúp đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch để đưa mảnh đất này bước vào kỷ nguyên mới cùng đất nước…
  • Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế
    8 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành thuế trong năm 2024, đồng thời cũng chỉ rõ hệ thống chính sách thuế còn chưa đồng bộ. Vì vậy, ngành thuế cần đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới...
Ước tính đến hết tháng 1 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 93% kế hoạch