Tạo động lực mới cho tăng trưởng năm 2025

PHAN ĐỨC HIẾU - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội | 23/01/2025 14:33

(BKTO) - Tư duy cải cách thể chế, nhất là quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ tạo ra một động lực mới trong nội tại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2025.

21b.jpeg
Ông Phan Đức Hiếu

Năm 2024, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng kinh tế - xã hội nước ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra… Những kết quả đạt được là rất phấn khởi, đáng ghi nhận, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh tăng trưởng chung của thế giới còn hạn chế; thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân; sự quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, nhất là Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các địa phương.

Bước sang năm 2025, một số ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi nhất nước ta có cơ hội bứt phá và đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cho tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo. Một số thách thức cần quan tâm là tốc độ tăng trưởng chưa đồng đều giữa các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, thậm chí giữa các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực; một số vấn đề nội tại như bất động sản, thị trường vốn vẫn tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, khó khăn của doanh nghiệp nói chung còn lớn, cùng với những yếu tố bên ngoài càng khó dự đoán là rất hiện hữu. Những thách thức này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp rõ ràng hơn, chính xác hơn.

Tôi rất kỳ vọng vào những thay đổi trong nước giúp củng cố và tạo thêm động lực tăng trưởng. Trước hết, chúng ta thấy, định hướng của Chính phủ trong năm 2025 đã có sự thay đổi. Chính phủ quyết tâm tăng trưởng cao nhất có thể, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Với phương châm đó, Chính phủ sẽ hành động quyết liệt hơn trong điều hành các chính sách về tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta còn nhớ thời điểm chuyển hướng điều hành kinh tế ngay từ cuối 2023: Năm 2023, chúng ta vẫn đặt ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý thì năm 2024 đã chuyển hướng mạnh mẽ sang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và năm 2025 chúng ta tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và với quyết tâm bứt phá đạt mức cao nhất, đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, định hướng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cũng có sự thay đổi so với các năm trước. Đơn cử, năm 2024, trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì giải pháp đầu tiên là nguyên tắc, định hướng để phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên cái gì, phát triển cái gì. Nhóm giải pháp thứ hai là cải cách thể chế. Tuy nhiên, năm 2025, cải cách thể chế là nhóm giải pháp ưu tiên số 1.

Sự thay đổi này có ý nghĩa rất quan trọng. Như vậy, ngoài cơ hội kinh doanh thông thường, chúng ta có một cơ hội tăng trưởng mới từ cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt với sự thay đổi cả về tư duy và mức độ quyết liệt cũng như cách làm. Công tác cải cách thể chế đã có những bước tiến rất lớn cả về định hướng và hành động, kết quả đạt được. Điều này thể hiện ngay trong hàng loạt đạo luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua với tinh thần “đúng vai”, “đúng việc”, thông thoáng nhất có thể; hướng tới mục tiêu cao nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cắt giảm thủ tục, cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc, chứ không chỉ nhằm quản lý, giám sát.

Một ví dụ chưa có tiền lệ là việc đưa 3 Luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực như dự kiến ban đầu, không chỉ thể hiện tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt mà còn nhấn mạnh đến yếu tố kịp thời, đồng bộ. Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi đồng loạt hàng chục luật khác nhau và nhiều nghị quyết có tính quy phạm để tháo gỡ khó khăn pháp lý, đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư… Vấn đề đặt ra là các chính sách này phải được triển khai nhanh trong thực tiễn, giảm độ trễ của chính sách, để những vấn đề khó khăn sớm được giải quyết thì sẽ tạo đà tăng trưởng rất tốt.

Đặc biệt, việc kiên quyết, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng thể chế nếu được triển khai quyết liệt, sớm có kết quả thì sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, tăng sự yên tâm, tin cậy, sáng tạo trong hoạt động đầu tư dài hạn. Đáng mừng là điều này không còn là định hướng trên nghị quyết hay văn bản mà đã có những hành động cụ thể. Đơn cử, quy định về quy trình đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư là chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn từ 1 năm rưỡi đến 2 năm thực hiện quy trình, thủ tục. Đây là điều vô cùng quý giá đối với doanh nghiệp.

Cùng với đó, tinh thần phân cấp, phân quyền rất mạnh trong xây dựng thể chế giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Chẳng hạn, nếu như trước đây việc quyết định thành lập khu công nghiệp phải trình lên Thủ tướng, thủ tục lòng vòng qua các Bộ sẽ mất khoảng 2 năm, nhưng tới đây phân cấp về địa phương quy trình này sẽ chỉ mất khoảng 6 tháng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ quyết liệt như hiện nay trong khơi thông các điểm nghẽn. Điều này là vô cùng quan trọng, bởi để phát triển một dự án mới ít nhất phải mất 1-2 năm mới có thể đóng góp vào tăng trưởng; nhưng việc tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực ngay lập tức sẽ đưa nguồn lực thẳng vào nền kinh tế; giúp giải tỏa được rất nhiều mối liên thông liên quan đến vốn, tạo công ăn việc làm, tạo sản phẩm dịch vụ cho xã hội một cách nhanh nhất và đóng góp vào tăng trưởng.

Chúng ta có cơ sở để tin tưởng, năm 2025 kinh tế - xã hội nước ta sẽ đạt được kết quả cao nhất và rất tích cực, khi cải cách thể chế được làm quyết liệt, sớm có thành quả sẽ trở thành động lực mới trong nội tại thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng./.

Cùng chuyên mục
  • Chính sách tiền tệ 2025: Linh hoạt trước mọi biến động
    12 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2025, chính sách tiền tệ (CSTT) với “mục tiêu kép” tiếp tục là bài toán “cân não”, đòi hỏi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một tâm thế chủ động, linh hoạt trước mọi biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, “mục tiêu kép” của CSTT cũng đặt ra những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn đối với hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ với Báo Kiểm toán dịp đầu Xuân.
  • Đưa cao tốc về đất “chín Rồng”, đánh thức kinh tế vùng sông nước
    12 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Không chỉ giúp mang lại thuận lợi trong giao thông, những cung đường cao tốc còn mang đến cơ hội phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, sự xuất hiện của những cây cầu nối đôi bờ đậm chất nghệ thuật đã trở thành nét chấm phá mới cho vùng đất “chín Rồng”, giúp đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch để đưa mảnh đất này bước vào kỷ nguyên mới cùng đất nước…
  • Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế
    12 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành thuế trong năm 2024, đồng thời cũng chỉ rõ hệ thống chính sách thuế còn chưa đồng bộ. Vì vậy, ngành thuế cần đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới...
  • Năm 2025: Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt
    12 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2025, Bộ sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát...
  • Vĩnh Phúc tập trung thu hút làn sóng đầu tư chiến lược
    18 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5 - 14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao...
Tạo động lực mới cho tăng trưởng năm 2025