Ưu đãi phải đúng đối tượng

(BKTO) - Sau 2 năm thanh tra, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra về quản lý và sử dụng đất đai với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót về thẩm quyền và quy trình giao đất và cấp ưu đãi cho các dự án, trong đó có việc UBND TP. Đà Nẵng chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất; không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến của các sở, ban, ngành, mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các phó chủ tịch Thành phố tại các cuộc họp; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.



Đặc biệt, TP. Đà Nẵng tùy tiện không tính, thu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất và cho hưởng ưu đãi, giảm 10% tiền sử dụng đất tại một số dự án không đúng quy định… Theo Thanh tra Chính phủ, các lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, các sở, các phòng ban, đơn vị trực thuộc và các cán bộ liên quan qua các thời kỳ phải chịu trách nhiệm về các khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. Lãnh đạo Bộ, thủ trưởng, cán bộ các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư các dự án, tổ chức, cá nhân cùng phải chịu trách nhiệm về các vi phạm.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2018 (VBF), đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho biết, thực tế trên cả nước cũng có không ít trường hợp DN được cấp giấy phép với mức ưu đãi cụ thể, nhưng cơ quan thuế vào kiểm tra đã từ chối áp dụng, phủ nhận những ưu đãi mà DN đã được cấp. Trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp những ưu đãi đó cho nhà đầu tư, nhưng lại yêu cầu DN nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn yêu cầu DN nộp phạt do kê khai sai thuế.

Thông tư số 101/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến cũng yêu cầu truy thu đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trường hợp đúng đối tượng được hưởng nhưng phải điều chỉnh giảm mức trợ cấp thì đối tượng phải nộp trả ngân sách T.Ư phần chênh lệch đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được điều chỉnh theo quyết định điều chỉnh mức trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để được hưởng chế độ không đúng quy định, thì đối tượng phải nộp trả ngân sách T.Ư toàn bộ số tiền đã được hưởng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tinh thần đó cũng cần được quán triệt trong trường hợp cơ quan chức năng rà soát thấy giấy chứng nhận đầu tư cấp bị sai ưu đãi. Khi ưu đãi bị cấp sai, DN nhận được ưu đãi có thể hưởng lợi nếu triển khai dự án và không bị phát hiện, xử lý các ưu đãi nhận được. Song trong mọi trường hợp, việc cấp sai ưu đãi gây hậu quả nhiều mặt, cả về thất thu NSNN, giảm sự lành mạnh của môi trường kinh doanh và gây mất lòng tin, cũng như gia tăng tình trạng bôi trơn, hối lộ và tham nhũng trong quá trình xin - cho, cấp - nhận ưu đãi… Thậm chí, việc bị cắt ưu đãi đã ghi nhận trong giấy phép đầu tư nếu không được giải thích thấu đáo, dễ khiến nhà đầu tư bức xúc và mất lòng tin, cho rằng Chính phủ không tôn trọng nguyên tắc bảo hộ đầu tư và cơ quan thuế đang bắt DN phải chịu trách nhiệm, chịu thiệt hại đối với lỗi sai do chính cơ quan chính phủ gây ra; thậm chí, có những trường hợp gây khiếu kiện kéo dài…

Để ưu đãi không bị cấp sai, thậm chí lạm dụng trục lợi, cần minh bạch hóa và công khai hóa các quy định liên quan đến đối tượng, loại, mức độ và quy trình, cũng như thẩm quyền cấp ưu đãi cho dự án, DN được hưởng; có đường dây nóng cung cấp, tiếp nhận và xử lý các thông tin cần thiết liên quan đến các ưu đãi; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ và kiểm tra chéo, cũng như kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hiệu quả các ưu đãi để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp cấp sai, đánh giá đúng đắn mức độ hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi, kịp thời có điều chỉnh chính sách…

Ưu đãi đầu tư là một cấu thành quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, hỗ trợ DN thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng mục tiêu ưu tiên trong quản lý nhà nước… Tuy nhiên, ưu đãi đầu tư cần được cấp đúng thẩm quyền và quy trình cho đúng đối tượng, đúng mức độ theo đúng quy định pháp luật. Các ưu đãi bị cấp sai cả về thẩm quyền, quy trình, mức độ và đối tượng sẽ không có giá trị thực tế và cần bị thu hồi hoặc điều chỉnh lại cho đúng quy định. Đặc biệt, cần có các quy định chế tài hành chính và tài chính nghiêm khắc, công khai xử lý các cá nhân có trách nhiệm cố tính lạm dụng quyền hạn và coi thường kỷ cương, cố ý làm trái, bất chấp luật định, cố tình cấp ưu đãi sai cho những dự án, DN vì mục tiêu lợi ích nhóm hoặc trục lợi, tham nhũng.

Ưu đãi là công cụ và động lực hỗ trợ cho phát triển, không nên khó tiếp cận, không thể cấp tràn làn và tùy tiện, lại càng không được phép biến thành vật trao đổi - quà tặng cá nhân, kiểu “của người phúc ta”...!

TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019
Cùng chuyên mục
  • Cải cách môi trường kinh doanh qua góc nhìn doanh nghiệp
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hằng năm, VCCI đều tiến hành điều tra khoảng 10.000 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành. Qua kết quả điều tra năm 2017 và 2018 có thể thấy rằng, có những dấu hiệu chuyển biến ở các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN cũng cho biết, những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, tuy nhiên, đến 47% đóng góp đến từ khu vực DN FDI.
  • Một số ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
  • Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm toán
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Qua thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN hiện tập trung vào bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán, như: làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; quan hệ phối hợp với cơ quan thanh tra để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động của KTNN; bổ sung quyền xử lý vi phạm hành chính, ban hành văn bản quy pháp pháp luật của KTNN; quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng của KTNN; bảo đảm chất lượng kiểm toán và quyền KTNN được quyết định kiểm toán đột xuất khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng...
  • Tăng cường liên kết chuỗi giá trị giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến nông sản
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO)- Nông sản ngành rau củ quả Việt Nam được các chuyên gia đánh giá rất giàu tiềm năng phát triển. Nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả trong sản xuất lẫn đầu ra cho sản phẩm. Hiến kế mở rộng thị trường cho nông sản rau củ quả Việt, TS.Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đã có những chia sẻ thiết thực, hữu ích đối với các nhà quản lý và các DN trong ngành.
Ưu đãi phải đúng đối tượng