Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Ảnh: Trọng Đức |
Trên cơ sở báo cáo về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của KTNN, Thường trực Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên họp để thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu Dự án Luật này.
Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN
Tại Phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề về: việc đề xuất bổ sung thêm so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp; quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN); về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; bổ sung quy định để giám sát hoạt động của KTNN; về công khai kết quả kiểm toán.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, UBTVQH đồng tình với cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo về hướng giải trình, tiếp thu đối với các nội dung về: phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán và nội dung liên quan đến sửa nhiệm vụ KTNN “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Về các nội dung còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH cho rằng, việc bổ sung thêm hai nhiệm vụ của KTNN (gồm nhiệm vụ kiểm toán vì sự phát triển bền vững của đất nước và nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nội bộ) cần cân nhắc vì có nội dung quá rộng, có nội dung trùng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBTVQH đồng tình quy định KTNN có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có quyền xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong Dự án Luật chỉ quy định về thẩm quyền còn mức xử phạt vi phạm hành chính, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến việc bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp của KTNN, một số thành viên UBTVQH cho rằng, việc KTNN tham gia giám định tư pháp là rất tốt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này để phù hợp với năng lực của KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họpẢnh: Trọng Đức |
Về phạm vi hoạt động của KTNN, UBTVQH cho rằng, phải giữ nghiêm phạm vi hoạt động của KTNN theo tinh thần Hiến pháp và trong Luật KTNN đã quy định, trong quá trình thực hiện không có gì vướng mắc nên vẫn giữ nguyên phạm vi hoạt động của KTNN như quy định của Hiến pháp và Luật hiện hành. Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm toán mà phát hiện những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công hoặc các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thuộc trách nhiệm của KTNN thì KTNN có quyền mở rộng kiểm toán.
Đối với vấn đề bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, UBTVQH nhấn mạnh, trách nhiệm PCTN, chống tiêu cực cũng là một nhiệm vụ của KTNN. Tuy nhiên, việc bổ sung các quy định vào Luật KTNN cần dẫn chiếu đúng Luật PCTN, để đảm bảo đúng thẩm quyền.
Quy định rõ phạm vi, thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử
Liên quan đến quyền truy cập dữ liệu điện tử của KTNN, đa số các thành viên UBTVQH thống nhất cho rằng, việc kết nối truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng là cần thiết, song quyền truy cập với dữ liệu, tài liệu không công khai thì phải được hạn chế và chỉ thực hiện khi hoạt động này có liên quan đến hoạt động kiểm toán và phục vụ cho công việc kiểm toán. Do đó, phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân.
Góp ý vào Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định để giám sát hoạt động của KTNN theo hướng quy định giao cho một cơ quan của Quốc hội hoặc sử dụng một cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm toán hoạt động và kiểm soát đánh giá chất lượng các báo cáo, kết luận của cơ quan KTNN; đồng thời, bổ sung quy định về việc phối hợp giữa Ủy ban TCNS của Quốc hội và KTNN để tổ chức các phiên giải trình về báo cáo của các cuộc kiểm toán lớn, quan trọng.
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, không đặt vấn đề ai giám sát hoạt động của KTNN vì Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ, việc giám sát hoạt động của KTNN là thẩm quyền của Quốc hội và UBTVQH. Khi cần thiết UBTVQH có thể tổ chức giám sát chuyên đề về hoạt động kiểm toán. Đồng thời, cũng không đặt vấn đề KTNN đi giám sát mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Toàn cảnh phiên hop sáng 12/8. Ảnh: Trọng Đức |
Trên cơ sở kết luận tại Phiên họp, UBTVQH giao Ủy ban TCNS phối hợp với KTNN và các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ dự án Luật cũng như báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 37.
Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban TCNS về việc bổ sung dự toán NSNN năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait với tổng vốn viện trợ là 225.000 USD để khắc phục hậu quả thiên tai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Đây là khoản viện trợ có địa chỉ cụ thể, UBTVQH đồng tình báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN tại Kỳ họp thứ 8.
Đ. KHOA