Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ để triển khai tốt nhất các giải pháp phòng, chống dịch

(BKTO) - Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra sáng 23/3, sau khi UBTVQH nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.



                
   

Toàn cảnh phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có chung đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với Trung Quốc. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ hợp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quốc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.

Mặc dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thống nhất nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.

Do đó, ngay từ giữa tháng 12/2019, khi chưa có thông tin rõ rệt về căn bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị dịch bệnh...; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
                
   

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Ngày 23/01/2020 (29 Tết), Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện và Chỉ thị trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập.

Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có công văn trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khấn trương vào cuộc; xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khấn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

“Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với các giai đoạn ban đầu.

Điều chỉnh chương trình công tác phù hợp với tình hình dịch bệnh

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã vừa tập trung chỉ đạo khống chế dịch bệnh nhưng cũng tập trung bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ cảm ơn đến những người nơi tuyến đầu chống dịch, Chủ tịch Quốc hội đã dẫn nhiều số liệu ấn tượng của Việt Nam công tác phòng, chống dịch. Đó là gần 7.000 người ở vùng dịch được đón về nước; hàng trăm tiếp viên hàng không đăng ký xin tạm nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn với đơn vị; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng chống dịch dù biết nguy cơ dịch bệnh do độ tuổi cao; hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ ngủ bạt, nằm rừng để ngăn dịch, nhường chăn gối, nhường giường cho người đi cách ly.... Các suất ăn cho người cách ly được bảo đảm và miễn phí trong khi những suất ăn này cao gấp đôi suất ăn của các cán bộ, chiến sĩ....; một số khách sạn tư nhân cung cấp phòng cho những người bị cách ly...

“UBTVQH khẳng định luôn đồng hành, sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch. Qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Nhất trí với quan điểm và các biện pháp của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID -19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chính quyền các địa phương cần quan tâm, chú ý đến số khách đã nhập cảnh vào Việt Nam.

Cùng với vấn đề cách ly, ứng phó với mọi tình huống, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy lý do dịch bệnh để kéo dài hoặc thoái thác trách nhiệm.

Về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc cần điều chỉnh chương trình công tác hợp lý, nhất là công tác giám sát để góp phần phòng chống dịch bệnh, không bố trí đoàn giám sát về các địa phương, trừ nội dung giám sát tối cao đang được tiến hành. Chương trình kiểm toán cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, cần có giải pháp để ổn định kinh tế- xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần người người chống dịch, nhà nhà chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
         
Tính đến 11 giờ ngày 23/3, Việt Nam đã ghi nhận 116 ca mắc COVID-19, trong đó đã có 18 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, nhiều bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2. Các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế; đa số tình trạng của các bệnh nhân ổn định.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 23/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 43. Theo chương trình, Phiên họp diễn ra trong 03 ngày từ ngày 23 đến 25/3.
  • Chung sức gỡ khó cho doanh nghiệp do đại dịch Covid-19
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc đã, đang bùng phát ở trên 165 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm hơn 199.000 người nhiễm bệnh, làm chết gần 8.000 người và sẽ còn để lại tác động đa diện về kinh tế - xã hội, không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
  • Từ 10h, hôm nay, bắt đầu Cuộc thi tuần thứ nhất tìm hiểu truyền thống ngành Tuyên giáo
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng Vcnet sẽ diễn ra hàng tuần, bắt đầu từ 10h hôm nay, 23/3/2020.
  • Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để đẩy nhanh tiến độ này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, có quy mô lớn.
  • Minh bạch lựa chọn nhà thầu dự án PPP để ngăn thất thoát, lãng phí
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn khi có quá nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, gây thất thoát, lãng phí và kém minh bạch mà kết quả kiểm toán là một minh chứng khách quan, sinh động, các chuyên gia khuyến nghị, trong Luật PPP mà Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, cần quy định cụ thể việc lựa chọn nhà thầu một cách minh bạch, mang tính cạnh tranh cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ để triển khai tốt nhất các giải pháp phòng, chống dịch