Vận hành hiệu quả bộ máy, không để lãng phí nguồn lực công sau sáp nhập

NGUYỄN LỘC - TRUNG DŨNG | 01/07/2025 08:43

(BKTO) - Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 01/7, tỉnh Vĩnh Long (mới) sẽ chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

img2840-1711170656574672780027.jpg
Việc sắp xếp một số tỉnh thành tỉnh Vĩnh Long mới sẽ mở ra cơ hội mới với những dư địa phát triển chung cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cùng với việc kiện toàn tổ chức, đảm bảo vận hành bộ máy thông suốt, không làm gián đoạn công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh sẽ đặc biệt chú ý đến vấn đề quản lý tài sản công, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước (KTNN) để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thưa ông, xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị như thế nào đối với công tác sắp xếp trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu làm việc của các cơ quan thuộc tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập?

Ngay sau khi có chủ trương sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương rà soát, thống kê toàn bộ hệ thống trụ sở trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ, từ đó xây dựng phương án bố trí nơi làm việc cho các cơ quan cấp tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai cải tạo, sửa chữa 41 trụ sở cũ, đảm bảo đủ điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức từ ba tỉnh.

anh_7_20250630153404.jpg
Đồng chí Ngô Chí Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long (mới) ra mắt ngày 30/6. Ảnh ST

Việc bàn giao, tiếp nhận, di dời trụ sở diễn ra từ ngày 25 đến 29/6/2025, đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác giám sát được thực hiện chặt chẽ nhằm sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí.

Có thể nói, đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đưa bộ máy mới vận hành ổn định, thông suốt từ ngày 01/7/2025.

Đặc biệt, liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, kéo theo những thay đổi về điều kiện công tác, một bộ phận cán bộ, công chức phải thay đổi nơi công tác… Nhìn nhận rõ vấn đề này, tỉnh rất chú trọng công tác bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức từ Bến Tre và Trà Vinh về Vĩnh Long công tác để tạo sự yên tâm cho công chức phải thay đổi nơi làm việc.

Đến nay, tỉnh đã bố trí được khoảng 105 chỗ ở công vụ, đồng thời cải tạo thêm 7 cơ sở nhà đất, dự kiến đáp ứng thêm khoảng 170 cán bộ. Với những người không thuộc diện được bố trí nhà công vụ, tỉnh đã khảo sát và sửa chữa lại các ký túc xá, nhà khách cũ để làm nơi lưu trú tạm, có thể bố trí trước mắt khoảng 450 người. 

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ đi lại, điều kiện sinh hoạt để cán bộ yên tâm công tác lâu dài. Việc chuẩn bị cả nơi làm việc lẫn nơi ở là điều kiện then chốt giúp bộ máy hành chính mới ổn định nhanh chóng, hoạt động hiệu quả ngay từ đầu.

Xin ông cho biết những công việc trọng tâm sau khi sáp nhập để từng bước đưa bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, hiệu quả?

Kể từ ngày 01/7, nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động của chính quyền cấp tỉnh không bị gián đoạn. Trước hết, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành, đơn vị nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành.

fcf69e6093e224bc7df3_20250629170030.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời 

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền sau sáp nhập sẽ nhanh chóng ổn định và hoạt động ngày càng hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long mới.

Đồng chí Lữ Quang Ngời

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ công việc để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng là công tác tư tưởng. Việc sáp nhập địa bàn, thay đổi nơi công tác ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng để kịp thời động viên, giải quyết khó khăn. Tinh thần chung là tạo môi trường làm việc tích cực, thân thiện, đoàn kết, để mỗi cán bộ đều thấy yên tâm, phấn khởi và trách nhiệm với công việc chung.

Ông nhìn nhận ra sao về công tác phối hợp của địa phương với KTNN trong thời gian tới, sau hàng loạt những thay đổi trong tổ chức, vận hành bộ máy sau sáp nhập, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với KTNN theo quy chế phối hợp, trên các mặt công tác. Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tích cực phối hợp trên các mặt công tác. Nổi bật là trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử...

img_3997.jpg
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long (mới) khẳng định sẽ tiếp tục phát huy tinh thần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với KTNN. Ảnh TL

Kết quả từ công tác phối hợp đã góp phần quan trọng vào hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại địa phương, cũng như góp phần vào thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên. Điều này đã được khẳng định rõ tại Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với các tỉnh, trong đó có tỉnh Vĩnh Long diễn ra cuối năm 2024.

Nhiều địa phương trước sáp nhập như: Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long đều có quy chế phối hợp với KTNN, và nay là tỉnh Vĩnh Long mới, do đó, chúng tôi đánh giá đây là điểm thuận lợi, giúp cho công tác phối hợp với KTNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục được thuận lợi, thông suốt.

Chúng tôi cho rằng, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phối hợp của các bên và chúng tôi sẽ nỗ lực để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng này, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm toán.

Đặc biệt, trong bối cảnh sau sắp xếp, khối lượng công việc của địa phương rất lớn, tỉnh sẽ phải thực hiện cùng lúc rất nhiều công việc, trong đó có việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, ổn định công tác của cán bộ, công chức, với mục tiêu chung quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt, không gây ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Do đó, trước hết, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN trong thực hiện kiểm toán (nếu có); tiếp tục thực hiện nghiêm các kiến nghị kiểm toán, đối với các kiến nghị trước đây tại các địa phương chưa thực hiện, trên tinh thần rõ người, rõ trách nhiệm. 

Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi cũng mong muốn KTNN, các đoàn kiểm toán của KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương sau sắp xếp; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến kịp thời cho các công tác của địa phương, từ đó góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực trên địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Vận hành hiệu quả bộ máy, không để lãng phí nguồn lực công sau sáp nhập