Lực lượng chức năng đang kiểm tra số mỹ phẩm, TPCN giả lên tới 20 tấn vừa bị phát hiện, thu giữ tại Hà Nội. Ảnh: T.S
Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế ngày càng nghiêm trọng. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, hàng kém chất lượng; làm giả, làm nhái mỹ phẩm, TPCN…Trung tuần tháng 6 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra việc kinh doanh TPCN tại các nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Kết quả, trong số 48 vụ kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý 9 vụ, phạt hành chính hơn 15 triệu đồng. Tại tọa đàm, ông Vương Chí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thực tế qua kiểm tra 10 đơn vị có 50% số vi phạm ở các mức độ khác nhau, có những đơn vị chỉ lấy 5 sản phẩm thì có đến 3 sản phẩm không đạt chất lượng.
Trước đó không lâu, thông tin về việc Đội chống hàng giả (Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội) phối hợp, phát hiện và triệt phá thành công đường dây làm giả tới 20 tấn mỹ phẩm, TPCN gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu… cũng đã làm chấn động dư luận và khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Theo cảnh báo của Tổng cục Hải quan và Bộ Công an, hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, trong đó tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như TPCN, mỹ phẩm, sữa, đồ chơi trẻ em… do đây là những mặt hàng có lợi nhuận cao và có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường.
Lý giải thêm về vấn đề này, theo ông Trần Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chính việc quảng cáo quá mức, thổi phồng giá trị của các sản phẩm này đã khiến các đối tượng nhắm đến làm giả, làm nhái.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, việc lưu hành những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên thị trường còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm, TPCN… trong chăm sóc, phục hồi sức khỏe đã và đang trở thành xu hướng của y học hiện đại.
Siết chặt hơn khâu cấp phép
Tham luận tại Tọa đàm, đa số các ý kiến cho rằng, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua tuy đã được đẩy mạnh song kết quả chưa được như mong muốn, số vụ vi phạm chưa có xu hướng giảm, thậm chí càng “chống” càng “lọt”. Bên cạnh nguyên nhân do trình độ, lực lượng của cơ quan chống buôn lậu còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ thì công tác chống hàng lậu, hàng kém chất lượng hiện nay còn vướng nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật đấu tranh xử lý còn chồng chéo, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Chẳng hạn như việc lợi dụng chính sách miễn thuế hàng hóa trao đổi giữa cư dân biên giới; hợp thức hàng hóa nguồn gốc hàng nhập lậu bằng cách sử dụng hóa đơn bán hàng của các hộ kinh doanh, DN…
Xác định việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu trong lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế. Hiện Bộ đang rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt hơn nữa khâu quản lý, cấp phép lưu hành. Theo đó, những mặt hàng nào, sản phẩm nào kinh doanh có điều kiện thì phải kiểm tra kỹ các điều kiện trước khi cấp phép.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thực tế công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua cho thấy, không thể một Bộ, ngành hay một cá nhân, DN có thể triển khai hiệu quả nếu không có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội. Do đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan trong việc quản lý cấp phép, thu hồi, tiền kiểm, hậu kiểm, thanh tra, tuyên truyền… nhằm tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
ĐĂNG KHOA