Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân là do còn nhiều dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, còn một số cơ chế Trung ương chưa ban hành, địa phương còn vướng mắc trong thực hiện như: Quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG giảm nghèo bền vững đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối tượng hỗ trợ thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Những vướng mắc này đã làm cho tiến độ giải ngân các CTMTQG chưa đạt kết quả như mong đợi.
Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các CTMTQG và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các chủ CTMTQG/dự án/tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện./.